"Không thể phủ nhận những gì đã làm được"

(VH)- Xung quanh chuyện trùng tu, tôn tạo di tích hiện nay đang có những ý kiến khá gay gắt, thậm chí là phủ nhận “sạch trơn” kết quả mà trong hơn hai mươi năm qua chúng ta đã làm được.

 

Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này, đồng thời mong muốn ghi nhận những đánh giá, nhận xét khách quan từ góc độ chuyên môn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia (ảnh). Ông Quốc nói:

- Gần đây dư luận xã hội nói chung ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, trong đó có công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tôi nghĩ, ở góc độ nào đó, đây cũng là cách giám sát của xã hội đối với hoạt động này. Việc dư luận xã hội bày tỏ ý kiến, nhận định về hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích rơi vào thời điểm có ý nghĩa khi các cơ quan Bộ, ngành có liên quan đang tổ chức lấy ý kiến cho dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá. Bởi vậy đây cũng là dịp quan trọng để các cơ quan Bộ, ngành Trung ương, địa phương, dư luận báo chí và xã hội nên phân tích kỹ những hiện tượng, vấn đề để cùng nhau đưa ra được những giải pháp mang tính đồng thuận cao hơn.

Như vậy, phải chăng đây cũng là thời điểm để chúng ta cùng nhìn lại hay “tổng kết” về kết quả trùng tu, tôn tạo di tích?

- Đi sâu theo dõi và tham gia thẩm định nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích tôi nhận thấy cũng có những vấn đề cần bàn bạc, suy nghĩ. Một trong những đặc điểm chung của di sản kiến trúc nước ta là rất nhiều công trình có kết cấu bằng gỗ. Khi muốn sửa chữa một bộ phận kết cấu gỗ nào đó của di tích thì đôi khi cũng phải hạ giải toàn bộ công trình. Cho nên khi nhìn vào đó sẽ dễ gây ấn tượng đối với mọi người là chúng ta phá nó đi để xây mới. Điều quan trọng ở đây là cần đi sâu xem xét di tích ấy có làm đúng quy trình và việc sửa chữa đó có đến mức phải hạ giải? Tôi thấy hiện nay xã hội đòi hỏi phải giữ được yếu tố gốc khi tiến hành trùng tu di tích nhưng cũng cần hiểu rằng những chỗ nào bị hỏng, bị xuống cấp nặng nề không thể tái sử dụng thì phải sữa chữa, phải thay thế chứ. Nếu cứ suy nghĩ hỏng đâu sửa đấy thì có khi vài ba năm sau bộ phận được sửa chữa còn tốt, bộ phận chưa được sửa chữa lại bị xuống cấp. Vì thế, khi tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích chúng ta cần lựa chọn, áp dụng những giải pháp, công nghệ tối ưu. Về việc này các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu, phân tích kỹ để áp dụng những phương án trùng tu tốt nhất, đồng thời bổ sung vào những điểm còn khiếm khuyết trong nhận thức.

Trong ngần ấy năm trôi qua chúng ta đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nên nhiều công trình kiến trúc có giá trị đã được bảo tồn, gìn giữ. Nếu không được trùng tu thì rất nhiều di tích khó có được như ngày hôm nay. Đương nhiên trong cách làm cũng có thể có những cái chưa đúng, chưa phù hợp với chuyên môn, nhận thức thì chúng ta cần nghiêm túc điều chỉnh dần. Nhưng không thể phủ nhận những gì chúng ta đã làm được.

Cũng liên quan đến vấn đề hậu trùng tu di tích, mới đây trong cuộc họp lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá tôi đã phát biểu: Chúng ta không làm những việc mà truyền thống cha ông đã từng làm, đó là cần làm một tấm bia hậu đặt sau di tích ghi nhận mức độ xuống cấp, quá trình trùng tu cũng như sự quan tâm của xã hội. Chúng ta đã không làm việc này nên dẫn đến nhiều khách tham quan không thể nhận biết di tích này, công trình kia được trùng tu năm nào. Chính vì thế nên vừa qua tôi thấy có mấy bài báo nhận xét về di tích, trong đó chính những công trình được khen thì tác giả lại nhầm lẫn là chưa được trùng tu bao giờ. Còn như đền Đô là do chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng cách đây khoảng hai thập kỷ chứ trước đó đã bị san phẳng bởi chiến tranh và chưa một lần nào trùng tu cả. Bởi vậy tôi đề nghị nên có tấm bia như thế để trước hết tránh được sự nhầm lẫn giữa công trình đã trùng tu và chưa được trùng tu, thứ nữa làm cho người ta hiểu rõ lịch sử công trình, mối quan tâm của xã hội và Nhà nước đối với công trình đã được trùng tu.

Nhân đây tôi cũng đặt câu hỏi, vì sao trước và sau khi trùng tu một di tích nào đó có giá trị về kiến trúc, lịch sử và văn hoá Cục Di sản văn hoá (Bộ VH,TT&DL) hay cơ quan quản lý trực tiếp di tích đó không tổ chức họp báo để thông báo mục đích, quy trình và giải pháp thi công để xã hội biết rõ? Làm được điều này không những chia sẻ được thông tin mà họ còn theo dõi, giám sát và phát hiện những chi tiết làm sai, đồng thời ủng hộ những cái làm đúng. Tôi thấy, thông thường một công trình di tích được hạ giải để trùng tu, sửa chữa thì cảm thấy bề bộn, ngổn ngang nhưng đến khi dựng lại trở nên khang trang thì lại không thấy ai nói gì.

Vừa qua tôi thấy có mấy bài báo nhận xét về di tích, trong đó chính những công trình được khen thì tác giả lại nhầm lẫn là chưa được trùng tu bao giờ. Còn như đền Đô là do chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng cách đây khoảng hai thập kỷ chứ trước đó đã bị san phẳng bởi chiến tranh và chưa một lần nào trùng tu cả...

Thưa ông, trong việc nhận định, đánh giá về công tác trùng tu, tôn tạo di tích gần đây cho thấy nhiều người không hề nhận ra những kết quả tích cực mà chỉ “chăm chăm” vào những chuyện tạm cho là có vấn đề. Là người theo dõi và trực tiếp tham gia thẩm định nhiều dự án trùng tu di tích, ông có thể đưa ra nhận xét khách quan về vấn đề này?

- Trước hết phải thấy trùng tu, tôn tạo di tích là một chuyên ngành mang tính khoa học, và ngay trong cùng một chuyên ngành cũng có nhiều trường phái khác nhau. Tôi lấy ví dụ mà chúng ta đã từng gặp phải. Khi tiến hành trùng tu, tôn tạo khu di tích lịch sử, văn hoá Lam Kinh (Thanh Hoá) trong đó có những khu mộ của những vị vua lớn. Khi bắt tay trùng tu những ngôi mộ này thì xuất hiện hai quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, cần phải giữ nguyên kiến trúc cũ để thể hiện rõ tính cách của vị vua ấy là sống giản dị và gần gũi với dân. Bên cạnh đó cũng có quan điểm chúng ta là con cháu thế hệ sau nên cần phải tôn vinh ông cha mình, chẳng lẽ cứ để lăng mộ sơ sài như thế. Cùng ý kiến này cho rằng cần làm bề thế để thể hiện thái độ của chúng ta đối với các bậc tiền nhân. Rõ ràng những tranh luận như thế này cần tìm ra giải pháp nhằm dung hoà hai quan điểm trên. Vì thế đi đến đồng thuận, giữ yếu tố không gian gốc để mọi người cảm nhận được những giá trị cổ xưa nhưng đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của thế hệ sau. Như vậy đây là vấn đề hoàn toàn khoa học. Ngay như phương pháp trùng tu của cố KTS người Ba Lan - ông Kazik là người vừa có tâm vừa có tài nhưng cách làm của ông vẫn có những người không tán thành vì họ theo trường phái khác.

Dư luận thường phản ánh qua kênh của báo chí, vì thế đòi hỏi những người làm báo cần có kiến thức nhất định về chuyên ngành này để khi thẩm định tránh được những đánh giá mang tính cảm tính. Ngược lại, phía cơ quan chức năng có trách nhiệm cần tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho xã hội về lĩnh vực này. Sở dĩ có những nhận định, đánh giá như vừa qua về công tác trùng tu, tôn tạo là do thiếu thông tin, thiếu sự kết nối giữa những nhà chuyên môn có trách nhiệm với công chúng thông qua kênh báo chí. Trong thời gian tới, với tư cách là cơ quan quản lý di sản văn hoá, Cục Di sản văn hoá và các cơ quan chức năng địa phương cần tổ chức tuyên truyền hơn nữa trong việc thực hiện các dự án trùng tu di tích. Tuyên truyền tốt để mọi người hiểu được rằng nếu không có sự trùng tu di tích suốt bao nhiêu năm qua thì rất nhiều cái đã mất, rất nhiều phế tích sẽ không được như ngày hôm nay. Có lẽ ai cũng nhớ cách đây hơn 20 năm di tích cố đô Huế nằm ở tình trạng như thế nào, và ai cũng biết trước đây đô thị cổ Hội An nằm trong tình trạng ra sao. Trong ngần ấy năm trôi qua chúng ta đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nên nhiều công trình kiến trúc có giá trị đã được bảo tồn, gìn giữ. Nếu không được trùng tu thì rất nhiều di tích khó có được như ngày hôm nay. Đương nhiên trong cách làm cũng có thể có những cái chưa đúng, chưa phù hợp với chuyên môn, nhận thức thì chúng ta cần nghiêm túc điều chỉnh dần. Nhưng không thể phủ nhận những gì chúng ta đã làm được.

Điều kiện khí hậu nước ta rất khắc nghiệt, trong khi đó hầu hết các công trình di sản kiến trúc lại chủ yếu bằng gỗ hoặc sử dụng những vật liệu độ bền vững không cao. Trải qua thời gian cộng với sự xâm thực của nhiều yếu tố, hẳn nhiên công trình di tích kiến trúc đó sẽ bị xuống cấp. Bởi vậy nếu không được trùng tu kịp thời thì sẽ bị đổ sập. Lúc đó chúng ta suy nghĩ ra sao?

Cũng trong dư luận gần đây nhiều ý kiến cho rằng trùng tu, tôn tạo đã làm mất đi yếu tố gốc của di tích, khiến cho công trình vài trăm tuổi trở thành mấy tháng tuổi. Vậy quan điểm của ông như thế nào?

- Mới đây tôi có tham gia vào cuộc họp lấy ý kiến cho dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá thì thấy rất nhiều ý kiến là cần phải hiểu như thế nào về yếu tố gốc khi tiến hành trùng tu di tích. Ví dụ, trong lịch sử có ghi ngôi chùa này, ngôi đình kia được khởi dựng từ thời nhà Trần, nhà Lê nhưng bây giờ nhìn vào thử hỏi có mấy chi tiết là của thời Trần, thời Lê nữa, bởi trải qua nhiều triều đại về sau nó được tu bổ, thậm chí trong những năm chiến tranh những di tích đó bị mất mát khá nhiều kiến trúc và được người dân xây dựng lại. Vậy thì, khi tiến hành trùng tu chúng ta trở về với giá trị kiến trúc ban đầu hay giữ yếu tố kiến trúc nguyên trạng mà chúng ta đang thấy? Đây là vấn đề không hề đơn giản.

Chùa Một Cột mới được phục dựng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Một ví dụ cụ thể như chùa Một Cột. Ai cũng biết chùa Một Cột được khởi dựng từ thời Lý. Nhưng giá trị vật thể của nó hiện tồn tại trước mắt chúng ta thì mới được phục dựng cách nay hơn nửa thế kỷ. Bởi khi người Pháp rút lui khỏi miền Bắc thì đã có kẻ đặt mìn phá huỷ hoàn toàn. Trong trường hợp này chúng ta phải hiểu như thế nào về yếu tố gốc của di tích? Đó là điều rất khó. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta cần tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm và sự tích luỹ ấy phải trở thành hệ thống tri thức, cần được chuẩn hoá, đồng thời phải chia sẻ với nhân dân. Tôi vẫn cho rằng cái yếu nhất của chúng ta hiện nay là thông tin, vì thế rất cần những tờ báo chuyên ngành, tờ báo của hội nghề nghiệp vào cuộc để làm việc này. Tôi xin nhắc lại ở đây trên hai mặt, đó là giám sát ngay từ đầu để tránh những sai sót trong quá trình thi công nhưng đồng thời biểu dương những việc đã làm được để xã hội chia sẻ với sự cố gắng trong công tác trùng tu.

Dư luận thường phản ánh qua kênh của báo chí, vì thế đòi hỏi những người làm báo cần có kiến thức nhất định về chuyên ngành này để khi thẩm định tránh được những đánh giá mang tính cảm tính. Ngược lại, phía cơ quan chức năng có trách nhiệm cần tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho xã hội về lĩnh vực này.

Thưa ông, có một nhận định mà khi đọc lên những người làm công tác quản lý di sản, thẩm định dự án và đặc biệt là những người trực tiếp trùng tu sẽ cảm thấy toát mồ hôi, thậm chí là có tội với tiền nhân rằng: “Phần lớn công trình trùng tu đều trở thành phá hoại”. Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi nghe nhận định này?

- Tôi có thể nói ngay, khi anh đã có một sự khái quát như vậy thì cần đưa ra bằng chứng. Hơn nữa tôi cũng muốn nói thêm đặc điểm công trình kiến trúc di sản của chúng ta. Bên cạnh một số không nhiều là những phế tích như một số công trình tháp Chăm ở Mỹ Sơn chẳng hạn, thì số đông di tích đang tồn tại hiện nay và nó còn phát triển nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, xã hội. Ngày xưa chùa làng chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng làng và có thể liên làng mà thôi. Và tôi cũng chưa bàn đến việc ngôi chùa đó đang trở thành điểm tham quan tín ngưỡng của du khách trong, ngoài nước mà ngay việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng nhân dân địa phương cũng đã thấy khó khi số người ngày càng đông hơn, đòi hỏi tiện nghi nhiều hơn. Vì thế việc bảo tồn giá trị vật thể  với việc tạo ra môi trường cho người ta sử dụng đúng công năng của nó trong hoàn cảnh hiện nay cũng không còn như vài chục năm về trước.

Tôi muốn trở lại chuyện xây dựng lại quảng trường trước Ngọ Môn Huế. Rõ ràng, ngày xưa nơi đây là chỗ đi lại của những đối tượng rất hẹp nhưng bây giờ nơi đó trở thành trung tâm du lịch, rồi tổ chức Festival. Vậy thì chúng ta cần một quảng trường để hành lễ cho công năng mới của một thành phố Festival. Lúc chủ trương làm thì cũng có nhiều ý kiến không tán thành vì là một công trình xây dựng trong khu vực bảo vệ I. Nhưng đến nay chúng ta thấy sự hợp lý và công trình phát huy  tốt giá trị. Tôi nhắc lại, phần lớn di tích của chúng ta là những sinh thể đang tồn tại và phát triển theo nhu cầu và chúng ta không thể vì một lý do là bảo tồn di tích mà hạn chế công năng của nó. Một yếu tố nữa cần được lưu tâm đến là điều kiện khí hậu nước ta rất khắc nghiệt trong khi đó hầu hết các công trình di sản kiến trúc lại chủ yếu bằng gỗ hoặc sử dụng những vật liệu độ bền vững không cao. Trải qua thời gian cộng với sự xâm thực của nhiều yếu tố, hẳn nhiên công trình di tích kiến trúc đó sẽ bị xuống cấp. Bởi vậy nếu không được trùng tu kịp thời thì sẽ bị đổ sập. Lúc đó chúng ta suy nghĩ ra sao?

Nếu như vậy thì không thể nói rằng “tạm dừng trùng tu chính là bảo vệ di tích”, thưa ông?

- Tôi đã nói, khi đã khái quát thì cần có những bằng chứng cụ thể. Hiện đang có một thực tế là ta chỉ mới thấy vẻ đẹp cổ điển của di tích thể hiện ở bên ngoài nhưng lại chưa thấy được nguy cơ tiềm ẩn bên trong của nó. Nhìn vào một cái cột thì trông nó còn đẹp lắm nhưng lại không hề biết bên trong đã rỗng ruột hay chưa. Công tác trùng tu cũng giống như chẩn bệnh. Khi chẩn bệnh thì phải luôn luôn thể hiện rõ được cho người ta biết tình trạng của nó như thế nào. Cho nên tôi nghĩ rằng rất nhiều trường hợp là chúng ta cứ nhìn bề ngoài và ai cũng muốn nó cổ kính mãi nhưng sự cổ kính không thể tồn tại vĩnh cửu được. Tôi nghĩ ở đâu cũng vậy. Phải chăng với một cột đá trơ gan cùng tuế nguyệt sẽ dễ hơn là một cái nhà bằng gỗ. Hơn nữa chúng ta phải thừa nhận là trùng tu di tích không chỉ là một chuyên ngành khoa học kỹ thuật mà còn là công việc cực kỳ tốn kém. Nhìn sang các nước thì quá rõ. Còn nước ta phải tiến hành một khối lượng rất lớn mà lại trong điều kiện kinh tế còn hạn chế, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý cũng còn hạn chế, vì thế chúng ta cần phát huy vai trò xã hội hoá. Trong chừng mực nào đó chúng ta cũng phải trả giá nếu chúng ta không quản lý tốt vì những người có tiền lại thiếu một tri thức nhất định.

Trước những hiện tượng và vấn đề trùng tu di tích hiện nay, ông có kiến nghị gì?

- Trong quá trình chuẩn bị sửa đổi Luật Di sản văn hoá tôi cũng đã đi giám sát ở nhiều địa phương và cũng thấy nhiều vấn đề, chỉ có điều đã bộc lộ trên báo chí hoặc chưa bộc lộ mà thôi. Và càng thấy rằng công tác trùng tu di tích đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Đầu tiên cần phải thấy đó là mặt tích cực. Thứ nữa, càng như thế cơ quan chức năng càng có trách nhiệm cao hơn. Nhưng điều thứ ba quan trọng hơn nhiều là làm thế nào để có sự chia sẻ? Chỗ này theo tôi không có gì tốt hơn là chúng ta minh bạch hoá, công khai.

Nhiều nước, trước khi tiến hành trùng tu một di tích nào đó người ta tổ chức triển lãm hiện trạng, bản vẽ thiết kế, phương án trùng tu để mọi người biết rõ. Thậm chí còn tổ chức lấy ý kiến thăm dò. Ví dụ, đưa ra các số liệu, hình ảnh để chứng minh công trình ấy nếu không sửa thì nó sẽ đổ. Và những giải pháp trùng tu là như thế này. Nói như thế không phải là chuyện đẽo cày giữa chợ mà chúng ta hoàn toàn chủ động với chức năng được giao. Thực hiện được việc đó, sau khi tiến hành trùng tu mà có dư luận trái chiều đến thì người dân họ hiểu ra. Năng lực nhận thức của ngươi dân rất quan trọng đối với công việc này. Tất nhiên giải pháp trùng tu, sửa chữa như thế nào thì chủ yếu dựa vào tiếng nói của người có chuyên môn, còn những người nói cảm tính thì lúc đó chúng ta sẽ có cách giải thích.

Xin cám ơn ông!

Nhóm P.V

thực hiện

Theo Báo Văn hoá online ngày 15/04/2009