Sau hai tháng cần mẫn, lo âu dò từng mũi khoan, vết đục, đúng 18g ngày 29-12-2009, bài thơ của vua Lê Lợi khắc trên đá núi ven bờ thượng nguồn sông Ðà đã được chuyển về nơi an toàn. Một công nhân tham gia di dời tâm sự: "Anh em chúng tôi không dám một phút lơ là để làm hỏng di văn của Người".
Ðối với đồng bào Tây Bắc, di chỉ của người anh hùng dân tộc để lại trên quê hương mình là một di sản văn hóa quan trọng, không thể và không được phép nhấn chìm dưới mấy chục mét nước của lòng hồ thủy điện Sơn La. Lịch sử đã ghi lại sự kiện đó rằng: tháng chạp năm Tân Hợi (tức tháng 1-1432), vua Lê Lợi dẫn hai cánh quân thủy và bộ lên vùng đất hoang rậm mà sau này người ta gọi là thị xã Mường Lay để chinh phục Ðèo Cát Hãn, tù trưởng vùng biên giới đã dấy binh làm phản. Dẹp yên vùng phên giậu, người anh hùng làm một bài thơ và cho khắc lên đá ở nơi biên ải này. Thơ rằng: Bọn giặc cuồng sao dám trốn tránh. Tội đáng giết. (Ngày lành tháng chạp năm Tân Hợi).
Dân ngoại biên đã từ lâu đợi ta đến cứu sống.
Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có.
Ðất đai hiểm trở từ nay không còn (bọn chúng nữa).
Hình bóng cây và tiếng gió thổi, hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ.
Non sông này nhập vào một bản đồ, đề thơ khắc lên núi đá.
Chắn giữ bờ tây nước Việt ta.
Sẽ dựng đền thờ vua Lê Ông Trần Văn Khanh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương (trực thuộc Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch), cho chúng tôi biết lẽ ra hạng mục di dời bia Lê Lợi sẽ thực hiện đồng thời với việc xây dựng đền thờ nhà vua tại vị trí cách bia cũ khoảng 500m, cao 150m theo đúng hướng chính nam, nhìn về đất Việt. Đền thờ này sẽ dựng tượng vua Lê Lợi với các khu đền chính, nhà bia, nhà thủ từ, bãi đỗ xe, sân vườn tổng thể... trên mặt bằng 3.000-4.000m2phục vụ khách tham quan, lễ bái. Tuy nhiên do công tác giải phóng mặt bằng, cấp đất xây dựng quá chậm nên đành phải tách ra làm hai hạng mục riêng rẽ. |
Vị trí tấm bia thuộc địa phận xã Lê Lợi (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia từ năm 1981. Khi công trình thủy điện Sơn La được khởi công, một trong những vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương là làm sao đưa được tấm bia lên khỏi vùng lòng hồ nguyên vẹn. Hạng mục di chuyển và làm nhà che bia Lê Lợi với tổng kinh phí 720 triệu đồng đã được triển khai, đơn vị trực tiếp thực hiện là Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương, dưới sự điều hành của Ban quản lý công trình thủy điện Sơn La. 15 thợ đá lành nghề từ làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) nổi tiếng cả nước cùng hai kỹ sư đã được huy động triển khai dự án. Sau lễ động thổ ngày 2-11-2009 do đại đức Thích Thanh Hòa, trụ trì chùa Vân Cốc (Bắc Ninh) chủ trì, những lỗ khoan, vết cắt đầu tiên đã đặt xuống với mục tiêu tách cho được khối đá rộng 2,8m, cao 2,3m, dày 1,15m, nặng trên 15 tấn mang bài thơ của nhà vua ra khỏi núi đá ven sông Ðà. Anh Lưu Mạnh Huấn - 42 tuổi, một công nhân tham gia suốt cuộc thi công - tâm sự: "Với tấm bia linh thiêng của Lê Lợi, anh em chúng tôi không dám một phút lơ là để làm hỏng di văn của Người. Loại đá này không giống đá ở quê, vừa cứng lại vừa dai, lại phải làm hoàn toàn bằng tay nên mất tới một tháng rưỡi chúng tôi mới tách được khối đá có bia ra. Mất thêm năm ngày chúng tôi mới hạ được an toàn xuống đất. Mặt bia đã được gông lại bằng gông sắt cùng các lớp bảo vệ mềm và cứng nên chắc chắn không thể hư hại được". 14g ngày 29-12-2009, khối đá linh thiêng trên đã được cần cẩu loại 25 tấn đưa lên mặt đường từ độ sâu khoảng 7m, đặt yên vị trong xe vận tải hạng nặng dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Vũ Văn Tuấn - đại diện Ban quản lý công trình thủy điện Sơn La và thạc sĩ Trần Văn Khanh - đại diện đơn vị thi công. Quãng đường dài gần 10km từ đó tới UBND xã Lê Lợi cũng là một khoảng thời gian thử thách những người trong cuộc bởi đoạn đường này đang thi công, tắc đường tới hàng giờ đồng hồ. Cuối cùng, khi trời tối mịt tấm bia mới được đặt yên vị trên bệ đã xây từ trước. Nhiều người sốt ruột, khi nhìn thấy bài thơ của Lê Lợi vẫn còn nguyên vẹn mới reo lên mừng rỡ. Về đến nơi an toàn để kịp tiến độ tích nước thủy điện vào tháng 5-2010, song có lẽ di chỉ văn hóa quan trọng này vẫn phải nằm chờ khoảng một năm nữa để được đặt vào vị trí tôn nghiêm, vĩnh cửu sau này. BẢO VĂN Theo Tuổi trẻ Online ngày 2/1/2010