Khởi đầu từ một xưởng tu bổ phục chế, thương hiệu Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương - VINAREMON, gắn liền với nhiều công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lớn trên khắp mọi miền đất nước.
Với quan điểm khoa học bảo tồn hiện đại, dựa trên những kỹ thuật truyền thống, điều kiện và đặc điểm của di tích Việt Nam, đội ngũ chuyên gia của công ty đang từng bước góp phần hình thành một hướng đi trong việc trùng tu, bảo tồn và tôn tạo các di tích nghệ thuật kiến trúc và văn hóa, lịch sử.
Theo Thạc sĩ, Kiến trúc sư Ðoàn Bá Cử, Giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương, người Việt Nam có truyền thống tu bổ theo phương thức hỏng đâu sửa đấy, hoặc bổ sung thành tố, dựng lại những công trình thời trước để sử dụng theo mục đích cũ, hoặc để tưởng niệm tôn vinh các nhân vật anh hùng, sự tích anh hùng thời trước, thường là bằng kiến trúc nghệ thuật đương thời và các lần trùng tu lần lượt nối tiếp nhau, truyền lại di sản cho thế hệ sau. Truyền thống đó là "tính xác thực" của di tích Việt Nam, là đặc điểm của tu bổ di tích nước ta. Ngay từ thời xa xưa, công việc tu bổ tôn tạo công trình, dẫu có linh hoạt về hình hài để đáp ứng yêu cầu mới, nhưng vẫn phải bảo tồn và phát huy cái hồn và tinh thần Việt. Ðiều này đã trở thành truyền thống, thành thuộc tính trong bảo tồn di tích và dần hình thành một phương thức bảo tồn và tôn tạo thường song hành trong tu bổ di tích - di sản văn hóa Việt Nam.
Gần đây, với sự phát triển của tiềm lực kinh tế và yêu cầu bảo tồn, phục hồi, tôn tạo phát huy tác dụng, để đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc sống mới trong khu di tích và trong cả vùng lãnh thổ, các dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo đã tích hợp nhiều nội dung và mục tiêu hơn, phạm vi được quan tâm cũng rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực ảnh hưởng đến di tích, việc quản lý đầu tư tu bổ di tích lịch sử - văn hóa như quản lý đầu tư một công trình xây dựng thông thường, cùng với cơ chế thị trường, xã hội hóa với quá nhiều lực lượng thiếu chuyên môn tham gia vào tu bổ và khai thác di tích đã đặt các di tích trước những nguy cơ tổn hại giá trị to lớn, thậm chí có sự mất còn của di tích.
Những vấn đề này đang đặt ra cho những nhà quản lý và thực hiện công tác tu bổ, bảo tồn di tích như Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương nhiều bài toán khó, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chuyên môn, vừa phải có những giải pháp hài hòa giữa kinh doanh, vừa có thể tham gia đóng góp được nhiều nhất trong công cuộc phát triển văn hóa đất nước.
Những năm qua, thông qua hoạt động nghề nghiệp và hợp tác quốc tế, Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học, kiến trúc sư chuyên sâu, trở thành đơn vị đầu ngành về tu bổ di tích, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nước nhà.
Công ty không ngừng đổi mới quản lý, phát triển tổ chức (thành lập thêm chi nhánh miền trung và một số đơn vị trực thuộc). Ðào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên ngành để đủ lực lượng hoạt động trên cả nước. Mặc dù cạnh tranh thị trường càng gay gắt hơn nhưng công ty được tin tưởng giao đảm nhiệm nhiều công trình dự án quan trọng có ý nghĩa lớn về chính trị và văn hóa- xã hội, đóng góp vào bảo tồn tôn tạo các di tích trên cả nước. Trong đó có nhiều dự án cấp nhà nước như dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Làng Sen và Hoàng Trù (Nghệ An), dự án bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần (Nam Ðịnh), dự án khu di tích khảo cổ học Cát Tiên (Lâm Ðồng), v.v.
Trong năm năm gần đây, kết quả nhịp độ tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm của công ty đã tăng 34%, tăng gấp hai lần so với năm năm trước, lãi kinh doanh gấp hơn sáu lần. Nhiều công trình của công ty đạt chất lượng cao, giúp công ty giành "Huy chương vàng chất lượng cao", cờ "Ðơn vị chất lượng công trình cao" trong nhiều năm; và vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Nhà nước trao tặng.
Tuấn Hải
Theo báo Nhân dânngày 17-11-2008