- Xung quanh vấn đề trùng tu, tôn tạo di tích (DT), dư luận đang lên án khá gay gắt, thậm chí có ý kiến phủ nhận sạch trơn hàng nghìn tỷ đồng Nhà nước và nhân dân đầu tư để trùng tu DT. Tìm lời giải cho những nghịch lý này, phóng viên Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH,TT&DL).
- Với vai trò là một nhà quản lý, nhà nghiên cứu và có nhiều năm trực tiếp tham gia vào công tác tôn tạo, bảo tồn DT, quan điểm của ông trước cách đánh giá "tạm dừng trùng tu chính là bảo vệ DT" như thế nào?
Ngôi đình cổ Tây Đằng, huyện Ba Vì sau khi được trùng tu. |
- Theo tôi, mọi vấn đề đều có tính hai mặt, công tác bảo tồn DT cũng vậy. Đây là ngành đặc thù, đòi hỏi từ người quản lý cho đến thợ trực tiếp phải có sự hiểu biết sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa của DT và kỹ năng làm nghề tốt. Thế nhưng, nước ta chưa có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn DT nói riêng, quản lý di sản nói chung. Khâu nghiên cứu, khảo sát trước khi lập dự án cần phải được thực hiện công phu, khoa học nhưng kinh phí đầu tư cho khâu này cũng chưa thỏa đáng. Thêm vào đó, mâu thuẫn giữa lợi nhuận của đơn vị thi công và mức tăng giá liên tục của thị trường nguyên vật liệu, ngày công thợ khiến DT phải hứng chịu tất cả. Nói cách khác là những thứ hữu hình có thể cân, đo, đong, đếm được, các nhà thầu cố gắng thực hiện đầy đủ, còn các giá trị vô hình - giá trị phi vật thể thì bị coi nhẹ. Do đó một số DT bị biến dạng sau mỗi lần trùng tu.
Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận lợi ích của công tác này. Có lẽ ai cũng nhớ cách đây hơn 20 năm, di tích cố đô Huế ở tình trạng như thế nào và ai cũng biết trước đây đô thị cổ Hội An trong tình trạng ra sao? Sau khi được trùng tu, đến nay, Hội An trở thành trung tâm du lịch, Huế là địa điểm thường xuyên diễn ra các festival… mang lại nguồn lợi hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho Nhà nước và người dân.
- Bảo vệ quan điểm DT xuống cấp thì phải trùng tu, tôn tạo, vậy theo ông tôn tạo như thế nào để không biến nhiều DT hàng trăm năm tuổi thành vài tuổi hoặc vài tháng tuổi?
- Khi tôn tạo, chúng ta cần phải có cách hiểu thống nhất về yếu tố gốc cấu thành DT. Ví dụ, trong lịch sử có ghi ngôi chùa này, ngôi đình kia được khởi công xây dựng từ nhà Lý, nhà Trần hay nhà Lê nhưng bây giờ nhìn vào thì còn mấy chi tiết thể hiện điều đó nữa vì đình, chùa của Việt Nam chủ yếu bằng gỗ, trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, rất ít loại gỗ có tuổi thọ vài trăm năm và còn chịu sự tàn phá của các cuộc chiến tranh. Do đó, khi tiến hành trùng tu, tôn tạo, chúng ta phải xác định được để DT trở về giá trị kiến trúc ban đầu hay giữ nguyên trạng kiến trúc mà chúng ta đang thấy?
Theo tôi, chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu một cách tường tận về DT thì mới có phương án ứng xử phù hợp. Một ví dụ cụ thể là chùa Một Cột. Ngôi chùa này được xây dựng từ thời Lý, nhưng giá trị vật thể của nó hiện tồn tại trước mắt chúng ta thì mới được phục dựng cách đây hơn nửa thế kỷ. Hay như đền Đô bị dư luận lên án nhiều nhất hiện nay là do người dân phục dựng lại trên nền cũ cách đây 20 năm chứ không phải mới được trùng tu, tôn tạo. Trong những trường hợp như thế, để hiểu đâu là yếu tố gốc của DT là điều không đơn giản. Tôi cho rằng, một mặt các nhà quản lý cần tích luỹ kinh nghiệm, tri thức về vấn đề này, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
- Được biết, đình Chu Quyến, xã Chu Minh (Ba Vì) được Bộ VH,TT&DL thí điểm trùng tu bằng phương pháp khoa học, ông đánh giá thế nào về cách làm này?
- Dự án tu bổ, tôn tạo đình Chu Quyến được triển khai từ năm 2007 do Cục Di sản văn hóa làm chủ đầu tư, Viện Bảo tồn di tích thực hiện thí điểm từ khâu khảo sát, lập dự án đến khâu thiết kế và tổ chức thi công. 2 năm qua có rất nhiều nhà quản lý, cán bộ chuyên môn từ khắp các địa phương trong cả nước đến thăm công trình và có chung nhận xét: Đình Chu Quyến cơ bản giữ được các yếu tố gốc. Tôi mong có nhiều DT được trùng tu bài bản, khoa học như vậy.
- Trước tình trạng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn DT vừa thiếu, vừa yếu, ông có đề xuất gì không ạ?
- Để vận hành cái máy may công nghiệp may quần áo theo mẫu, người công nhân phải học nghề mất vài tháng, thử hỏi với ngành đặc thù như phục chế DT mà không có trường lớp nào đào tạo nhân công thì khó có thể có được kết quả như mong muốn. Theo ý kiến cá nhân tôi, ngành văn hóa nên trích phần kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn DT. Tuy nhiên, cần phải có thời gian dài thì "cung" mới đáp ứng đủ "cầu".
Ở nhiều nước, khi tiến hành trùng tu một DT nào đó, người ta triển lãm hiện trạng, bản vẽ thiết kế, phương án trùng tu để lấy ý kiến người dân. Họ đưa ra các số liệu, hình ảnh chứng minh nếu không tôn tạo công trình ấy sẽ hỏng, đồng thời đưa ra các giải pháp trùng tu. Vì thế, theo tôi, trước mắt chúng ta nên tham khảo ý kiến của người dân và để họ tham gia vào quá trình giám sát, thi công các dự án trùng tu DT.
Căn bản hơn, Nhà nước phải có những quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành; đồng thời có chế tài đủ mạnh xử lý những người xâm phạm DT dưới mọi hình thức, đặc biệt không nên tách rời đơn vị thiết kế và đơn vị thi công như hiện nay.
- Chân thành cảm ơn ông!
Hà - Hiềnthực hiện
Theo Báo Hà Nội mới ngày 20/04/2009