Trùng tu di tích phải giao cho người có nghề

(Toquoc)- Việc trùng tu di tích phải giao cho những người thực sự có nghề, đấy mới là cốt lõi của vấn đề đề hạn chế tình trạng đập cũ, xây mới di tích hiện nay.

Sự việc nhà tổ, gác Khánh chùa Trăm Gian- di tích lịch sử văn hóa quốc gia bị phá đi xây mới hoàn toàn khiến nhiều người yêu di sản nhìn thấy phải đau đớn, xót xa. Đây không phải là lần đầu tiên, một di sản quốc gia “được tu sửa” tùy tiện. Những bài học như thành Nhà Mạc cổ kính được tu sửa thành “lò gạch mới” hay thành cổ Sơn Tây …vẫn chưa dừng lại. Việc sửa chùa theo kiểu “nhiệt tình + kém hiểu biết = phá hoại” này một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự trùng tu di tích kiểu đập cũ, xây mới.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Thành Vinh- Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) đơn vị được giao xây dựng bộ quy chuẩn về trùng tu di tích về hiện tượng này.

 


Ông Lê Thành Vinh: “Giao di tích cho người có nghề thì mới tránh trùng tu sai lệch”.
(Ảnh Hà An).


+ Thưa ông, việc trùng tu di tích theo kiểu đập đi, xây mới đã được nhắc đến nhiều nhưng vẫn xảy ra hằng năm. Phải chăng di sản đang bị bỏ rơi?


- Hiện có tình trạng di tích bị bỏ rơi, bị coi nhẹ và nguy hiểm hơn là sự vô trách nhiệm đến vô cảm của người quản lý. Thực ra, phân cấp quản lý di tích ở nước ta đã rõ ràng và chặt chẽ, nhưng theo tôi, kiểu quản lý một cách hành chính như hiện nay cần cụ thể và hữu hiệu hơn. Như sự tham gia của cộng đồng một cách thực sự, một vài cán bộ xã, huyện thì có thể không biết nhưng cộng đồng địa phương thì không thể không biết, tôi muốn nói rằng từ việc biết đến việc tham gia bảo vệ thì còn là một khoảng cách cần can thiệp. Như ở Hội An, tất cả người dân ở đây có ý thức bảo vệ di tích, bảo tồn di sản rất cao, trong khi có những vùng thì người dân rất hồ hởi trong việc phá di tích đi xây mới. Cho nên, tôi nghĩ chắc chắn, vấn đề cần quan tâm rất nhiều lúc này là ý thức người dân.

+ Nạn trùng tu di sản phá kiểu đi xây mới diễn ra nhiều. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Trong hoạt động trùng tu chưa tốt phân làm hai loại. Ở một số nơi do các cơ quan quản lý chính thống làm nhưng kết quả chưa tốt vì họ chưa đủ năng lực. Còn có nơi thì giao cho những đơn vị bên ngoài thầu xây dựng làm, các đơn vị đó không đủ năng lực thực hiện thì dẫn đến kết quả trùng tu như vậy.

Loại thứ hai là làm bất chấp các quy định. Như trường hợp ở chùa Trăm gian, với kinh phí xã hội hóa, nhà chùa đã tự làm theo ý của mình. Hai luồng như vậy đều dẫn đến những điều rất tệ hai, dẫn đến việc mất di sản.

+ Di sản chỉ tồn tại và phát huy giá trị trong đời sống dân cư. Khi di sản xuống cấp, người dân muốn trùng tu tôn tạo là lẽ đương nhiên. Nhưng làm thế nào cho đúng, không phải người dân nào cũng hiểu, đó cũng là nguyên nhân của việc làm mới chùa Trăm Gian, vậy chúng ta phải làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

- Cần điều chỉnh nâng cao ý thức của cộng đồng. Đây là việc không dễ dàng mặc dù vậy chúng ta có thể làm dần để tổ chức việc này tốt hơn. Hầu hết các di tích ở nước ta đều là điểm đến của cộng đồng, là nơi diễn ra sinh hoạt cộng đồng. Chúng ta nên coi đó là diễn đàn để cơ quan quản lý đối thoại với cộng đồng, nói với cộng đồng ở khu vực đó mà họ chính là chủ nhân của di sản để họ nhận thức tốt hơn. Từ đó, có thể, di sản sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Người dân không trực tiếp làm nhưng vai trò giám sát rất tốt. Ví dụ, lần Viện Di tích làm bảo tồn thực nghiệm đình Chu Quyến để xây dựng chuẩn mực của ngành. Trước khi chúng tôi tiến hành trùng tu thì đã mời tất cả những người dân ở vùng đó đến nghe các chuyên gia nói về giá trị của di sản, của đình Chu Quyến và trong quá trình thực hiện thì người dân đã hiểu rất rõ, thậm trí họ tham gia giám sát trở lại cùng chúng tôi rất tốt, tham gia lựa chọn vật liệu, chọn cấu kiện nào còn dùng được…. Thực tế, câu chuyện trùng tu đình Chu Quyến đã rất tốt.


Chỉ khi nào chúng ta giao di sản cha ông để lại cho những người thực sự có nghề thì lúc đó việc làm mới di tích mới giảm đi. (Ảnh: Hà An)


+ Ông đã từng nói, không thể coi trùng tu di tích là xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, với nhu cầu trùng tu di tích như ở nước ta hiện nay, lực lượng nhân lực trong lĩnh vực này có đáp ứng được?

- Với lực lượng di tích và nhu cầu trùng tu nhiều như hiện nay thì lực lượng nhân lực của chúng ta còn thiếu và yếu. Nhưng theo tôi, thà rằng chúng ta có thể giảm đi một chút cường độ, giảm đi một chút khối lượng công việc mà chúng ta đang nỗ lực để tiến hành các việc trùng tu để tập trung vào những cái trọng điểm như là xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về công tác bảo tồn trùng tu. Còn hơn chúng ta cố gắng đạt được những mức độ nào đó như mong muốn đặt ra nhưng thực tế hiệu quả không tốt.

Công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ làm công tác trùng tu di tích cũng như chuyên nghiệp hóa đội ngũ này đang làm là việc cấp thiết hiện nay. Việc bảo tồn di tích thực ra là việc phức tạp, đôi khi người dân có ý thức tốt nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực để làm, vì vậy, việc trùng tu di tích phải giao cho những người thực sự có nghề thì mới tránh được trùng tu sai lệch, đấy mới là cốt lõi của vấn đề.

+ Những bài học về việc đập cũ xây mới di tích vẫn còn đó. Là đơn vị đã thành công trong việc trùng tu đình Chu Quyến lại được Bộ VHTTDL giao xây dựng bộ quy chuẩn trùng tu di tích, cho đến nay, đã có quy chuẩn nào chưa, thưa ông?

- Chúng tôi có những Dự án cụ thể hóa việc áp dung quy chuẩn, nâng cao chuẩn mực và có những hướng dẫn cụ thể hơn để các đơn vị căn cứ vào đó thực hiện. Từ những chuẩn mực đề ra đến việc vận dụng, thực hiện trong thực tế là cả một khoảng cách, vì vậy, cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo tồn di tích. Viện chúng tôi hằng năm đều mở những lớp đào tạo, mỗi năm ít nhất 2 khóa, như vậy dần dần sẽ có nguồn nhân lực chuẩn.

Khâu quản lý giám sát vẫn quan trọng, cùng với các cơ quan quản lý thì cộng đồng phải tham gia để quản lý một cách hữu hiệu. Cộng vào đó, một số quy định có trong luật, văn bản dưới luật phải đưa vào một cách thực tế, phải cụ thể. Ví dụ, trong luật Di sản sửa đổi đã quy định người làm công tác trùng tu phải có giấy phép hành nghề, nhưng quy định này theo tôi biết vẫn chưa thực hiện được. Chỉ khi nào chúng ta giao di sản cha ông để lại cho những người thực sự có nghề thì lúc đó chúng ta mới hy vọng việc làm mới di tích giảm thiểu đi.

+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)

Theo Toquoc.vn