Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh

 

Từ Dinh Thống nhất, xuôi theo đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, qua đường Nguyễn Du, chúng ta sẽ gặp một dinh thự, một công sở tuyệt đẹp. Đó là tòa nhà mang số 131 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tọa lạc trên khu đất rộng lớn, được bao quanh bởi bốn con đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực và Lý Tự Trọng.

Đây là một công trình kiến trúc ra đời từ cuối thế kỷ 19, do một kiến trúc sư người Pháp mang tên Bourard thiết kế và kiến trúc sư Foulhoux trông coi việc xây dựng từ năm 1881 đến năm 1885 thì khánh thành. Tòa nhà lúc đầu được xây dựng theo hình chữ H, gồm 2 tầng và một tầng hầm. Mỗi tầng với chiều cao 5,2m2 để đón nhận những luồng gió từ không gian thoáng đãng quanh khuôn viên, lùa vào các hành lang để dẫn vào phòng làm việc.

Chúng ta sẽ bắt gặp sự kết hợp giữa kiến trúc Châu Âu và kiến trúc La Mã, văn hoá Phương Tây và Phương Đông mang nhiều ý nghĩa. Nổi bật nhất là bức tượng và phù điêu trên tiền sảnh dưới mái cao nhất của tòa nhà. Tượng thần Công lý tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách ghi chữ CODE (bộ luật). Tượng hai người Việt Nam ngồi hai bên: người phụ nữ tóc búi cao, tay cầm nón, người đàn ông đội khăn với nét mặt nghiêm trang chăm chú. Phải chăng tác giả muốn nói: Việc xét xử phải có nhân dân tham gia.

Từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhìn vào là 4 cụm công viên ở hai bên sân rộng. Đi thẳng vào cửa chính của tòa nhà là gian sảnh lớn ngăn cách giữa hai phòng xét xử. Hai bức tượng được bố trí hai bên chân cầu thang dẫn lên tầng hai. Bên phải là tượng nữ thần Công lý, bên trái là tượng nữ thần Đoàn kết. Ngoài những bức tượng, trên tường và trần nhà còn rất nhiều bức phù điêu và những hoa văn trang trí tuyệt đẹp. Bên trong phòng xét xử được thiết kế uy nghi và trang nghiêm, tạo nên một không gian có thể khuất phục những tên tội phạm nguy hiểm và công lý đã buộc họ phải cúi đầu nhận tội.

Hai bên, vươn về phía trước là những dãy phòng làm việc thông thoáng, kéo dài về phía sau. Tầng một, tường của dãy hành lang được gắn những cửa sổ cao, uốn cong phía trên và trên tầng hai là những đôi cột tròn nâng đỡ mái ngói như một sự bảo vệ vững chắc của pháp luật trước những hành vi nguy hại cho xã hội. Người Pháp đã xây dựng tòa nhà này làm công sở cho cơ quan xét xử. Hơn 120 năm qua, chính quyền của mỗi chế độ đều sử dụng đúng mục đích xây dựng ban đầu.Không bằng bê tông cốt thép nhưng tòa nhà cho chúng ta một sự chắc chắn đến tuyệt vời.

Năm 1961, khi mà dân số đã phát triển, tòa nhà không đủ diện tích để phục vụ công việc xét xử, chính quyền chế độ cũ đã cho xây dựng thêm dãy nhà phía sau. Kiến trúc sư Đỗ Bá Vinh đã tôn trọng với thiết kế của tòa nhà đã cho ra đời dãy nhà ngang nằm về phía đường Nguyễn Trung Trực; dãy nhà cũng mang dáng vẽ uy nghi, hài hòa với khu nhà phía trước, nếu không được giới thiệu, chúng ta sẽ nghĩ rằng ngay từ khi xây dựng đã có nó. Điều đó nói lên tài nghệ của kiến trúc sư Đỗ Bá Vinh trong việc cải tạo công trình này.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, cũng như hiện nay, tòa nhà này được bố trí cho 4 cơ quan, đó là Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố làm việc tại tầng một, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và Viện kiểm sát xét xử và thực hành quyền công tố III làm việc trên tầng hai .Chúng tôi, những người đang làm việc trong Dinh thự này luôn biết ơn các kiến trúc sư đã thiết kế, xây dựng nó, để lại cho nhân dân thành phố một tuyệt tác về kiến trúc mà khó có nơi nào trên đất nước này có được.