Sự thật về "Những dự án lãng phí bạc tỷ" ở Huế

Di tích Đại Nội Huế. (Nguồn: Internet)

Những ngày qua rộ lên thông tin về "Những dự án lãng phí bạc tỷ" ở Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng.

Phóng viên TTXVN tại Thừa Thiên huếu đã gặp, trao đổi với ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để hiểu thêm về vấn đề này.

- Với tư cách là người trong cuộc, sau khi có thông tin về những dự án lãng phí bạc tỷ trong việc phục dựng, trùng tu lễ hội, di tích ở cố đô Huế, ông có ý kiến về vấn đề này như thế nào?

Ông Phan Thanh Hải: Đầu tiên là dự án mua voi ở Tây Nguyên. Đầu năm 2004, theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (gọi tắt là Trung tâm) đã tiếp xúc, đàm phán và mua thành công 4 chú voi từ tỉnh Đắk Lắk về với mục đích nuôi dưỡng lâu dài, phục vụ cho các kỳ Festival Huế và phát triển dịch vụ du lịch.

Sở dĩ có chủ trương này là vì tỉnh đã cân nhắc rất kỹ đến việc đầu tư lâu dài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch dịch vụ như là một mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong thời điểm, mỗi lần mượn voi từ Tây Nguyên hoặc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam về phục vụ lễ hội thì chỉ tính riêng chi phí thuê mượn 2 chú voi trong 10 ngày đã tiêu tốn khoảng 220 triệu đồng. Vả lại việc vận chuyển voi thường xuyên trong điều kiện thời tiết mùa hè không phải là điều đơn giản.

Xuất phát từ tình hình đó, tỉnh đã mua 4 chú voi (Thong Rang, Y Trang, Y Then và Y Khun) từ Tây Nguyên đưa về Huế với giá 362 triệu đồng. Riêng nguồn thu từ dịch vụ voi của Trung tâm từ năm 2005 đến nay đã đạt trên 1 tỷ đồng (1.006.110.000 đồng).

Như vậy, ngoài việc chủ động phục vụ cho lễ hội, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Mặc dù hiện có 2 con bị chết, gồm voi cái Y Khun (30 tuổi) bị mắc bệnh và chết ngày 18/4/2004 (khi mới mua về được ít lâu); và voi đực Y Trang (30 tuổi) bị ốm chết do nuốt phải dị vật. Dù vậy, việc mua voi để phục vụ lễ hội và phát triển dịch vụ du lịch không phải là một thương vụ thất bại và tiêu tốn bạc tỷ như thông tin đã nêu. Trái lại, đây là việc làm hoàn toàn phù hợp và đúng hướng.

Voi mua về đều đã tham gia tích cực và góp phần làm nên thành công của các lễ hội quan trọng của Thừa Thiên-Huế trong các kỳ festival quốc tế như Lễ tế Nam Giao, Lễ tế Xã Tắc, Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung... Riêng giá trị của hai chú voi đực Thong Rang và Y Then hiện nay cũng đáng giá bạc tỷ (mà nếu có tiền cũng không thể mua được do các tỉnh Tây Nguyên đã cấm hoàn toàn việc mua bán voi).

Đó là chưa kể, nếu hàng năm tổ chức lễ hội mà thuê mượn voi thì riêng chi phí bỏ ra từ năm 2004 đến nay cũng đã phải tiêu tốn hàng tỷ đồng. Ngoài ra, việc Huế đang có những con voi đã được thuần dưỡng và quen với môi trường hoạt động du lịch, dịch vụ sẽ có ý nghĩa rất thiết thực khi dự án trùng tu cụm di tích Hổ Quyền-Voi Ré hoàn thành.

Hiện nay, dự án bảo tồn, trùng tu tổng thể cụm di tích tích này đã nhận được sự thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các đối tác Hàn Quốc nghiên cứu tư vấn về sử dụng công nghệ cao để quảng bá văn hóa. Các hoạt động dịch vụ và phát triển du lịch liên quan đến voi đã và đang được Trung tâm phối hợp với một số đơn vị tư vấn có kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cụ thể để sớm đưa vào hoạt động ngay khi dự án hoàn thành.

- Còn đối với các dự án trùng tu lăng Gia Long, và việc đóng, cũng như sử dụng thuyền cung đình Long Quang thì thế nào, thưa ông?

Ông Phan Thanh Hải: Từ năm 2002, dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo quần thể di tích lăng Gia Long" bắt đầu được triển khai theo quyết định số 3964/QĐ-BVHTT ngày 22/11/2002 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Dự án được xác định tổng mức đầu tư là 59,8 tỷ đồng dành cho hơn 50 hạng mục công trình thuộc 7 khu lăng mộ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Dự án chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1: Tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật; giai đoạn 2: Bảo tồn tu bổ di tích kiến trúc lăng Thiên Thọ; giai đoạn 3: Bảo tồn tu bổ di tích kiến trúc 6 khu lăng còn lại và tôn tạo cảnh quan môi trường.

Việc thực hiện dự án này đã gặp không ít khó khăn do cụm di tích lăng Gia Long ở xa, nằm sâu trong vùng rừng núi, đường giao thông đi lại rất khó. Mặt khác, điều kiện môi trường sinh thái quanh khu vực lăng (vốn được triều Nguyễn quy hoạch rộng đến 2.875ha) đã thay đổi rất nhiều do rừng già không còn, người dân địa phương đã sinh sống và canh tác tại rất nhiều địa điểm. Việc nghiên cứu và triển khai dự án được tiến hành rất cẩn trọng, công phu. Ngay cả việc khơi lại dòng chảy của suối Kim Ngọc cũng phải vừa tính đến các yếu tố phong thủy, vừa đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư và những vùng đất canh tác lân cận mà nguyên xưa không có.

Có thể khẳng định, các công trình kiến trúc thuộc khu vực lăng đã được tiến hành trùng tu, phục hồi một cách bài bản, đúng quy chuẩn. Hệ thống hạ tầng (bao gồm bãi đỗ xe, Bến Lăng, tuyến đường chính vào lăng, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, nạo vét và tôn tạo suối Kim Ngọc, sân và đường đi trong khu di tích, vệ sinh môi trường) được thiết kế và thi công đảm bảo chất lượng.

Tháng 3/2006, phần hạ tầng hoàn thành, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường khu di tích và đời sống dân sinh quanh khu vực lăng gia Long (chủ yếu là nhân dân thôn Định Môn, xã Hương Thọ).

Tuy nhiên, cơn bão lớn Xangsane đổ bộ vào miền Trung trong 2 ngày 1-2/10/2006 gây ra lũ quét trên sông Hương đã gây sạt lở nhiều đoạn mái taluy 2 bên suối Kim Ngọc (suối dài 1670m, diện tích mặt nước 31.550m2, khi nạo vét và tôn tạo chỉ phục hồi hình thức tự nhiên, gia cố cọc tre, trồng cỏ hai bên bờ), cuốn trôi toàn bộ đất đá và bờ kè 2 bên Bến Lăng (dù bến được xây bằng bê-tông cốt thép có hệ thống cọc bêtông đóng sâu vào lòng sông, hai bên bến kè bằng đá hộc với tổng kinh phí đầu tư là 373 triệu đồng).

Sau bão, Trung tâm đã cùng đơn vị thi công (Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Miền Trung) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng-Hà Nội tiến hành khảo sát hiện trường, xác định tổng mức thiệt hại là 304 triệu đồng (biên bản xác lập ngày 14/10/2006). Riêng hệ thống đường vào lăng và hệ thống chiếu sáng đến nay vẫn hoạt động bình thường (riêng hệ thống bóng đèn do sử dụng từ năm 2006 đến nay có bị cháy, vỡ khoảng 10 bóng/tổng số 76 cột đèn), các phương tiện cơ giới có thể ra vào khu lăng một cách dễ dàng ngay cả trong mùa mưa.

Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án đang được thực hiện ở những công việc cuối. Các công trình kiến trúc chính của lăng Thiên Thọ như nhà Tả, Hữu Vu, Tam quan khu vực tẩm thờ, sân chầu, lăng mộ, nhà bia… đã được trùng tu hoàn nguyên. Chất lượng trùng tu đã được các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chuyên gia của UNESCO kiểm định và đánh giá cao.

Trong các mùa mưa lũ từ năm 2006 đến nay, các công trình trong lăng còn đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn cho cư dân địa phương mỗi khi xãy ra lũ lớn. Riêng về suối Kim Ngọc, đoạn nối từ trong lăng ra sông Hương, do hiện nay có khá nhiều ruộng lúa nước của nhân dân địa phương ở hai bên bờ, phía đầu nguồn chính quyền địa phương còn cho đắp hồ chứa nước, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lưu thông của dòng chảy.

Trong hai năm qua, Trung tâm đã và đang phối hợp với Viện Di sản Thế giới thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản) nghiên cứu để đưa ra giải pháp thích hợp nhằm vừa bảo tồn được các yếu tố phong thủy nguyên gốc của lăng Gia Long, vừa góp phần cải thiện môi trường tự nhiên và tạo điều kiện cho cuộc sống của cư dân địa phương. Dự kiến, các giải pháp sẽ được áp dụng một cách đồng bộ khi giai đoạn 3 của dự án được triển khai (với nội dung tu bổ 6 khu lăng còn lại và tôn tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên tổng thể).

Như vậy, có thể khẳng định, dự án trùng tu bảo tồn quần thể di tích lăng Gia Long là một dự án bảo tồn di sản được tiến hành bài bản và bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy chưa hoàn thành nhưng dự án đã tạo ra thêm một địa điểm tham quan mới an toàn, hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch của Thừa Thiên-Huế, cải thiện đời sống văn hóa, vật chất cho nhân dân địa phương xã Hương Thọ huyện Hương Trà. Những tổn thất của dự án chủ yếu đều do thiên tai bão lụt gây nên và hiện đang được nghiên cứu để khắc phục và điều chỉnh cho phù hợp, không hề có chuyện lãng phí bạc tỉ cho dự án này!

Riêng đối với việc đóng và sử dụng thuyền cung đình Long Quang: Theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, thuyền Long Quang được Trung tâm đầu tư nghiên cứu và xây dựng bản thiết kế phục hồi thích nghi dựa trên cơ sở thuyền ngự Tế Thông của triều Nguyễn (chứ không phải thuyền Yến Như). Việc phục hồi thành công chiếc thuyền này (với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng) có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nó mở ra khả năng phục hồi lại hệ thống thuyền gỗ truyền thống của Huế, phục vụ cho mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống Huế và phát triển du lịch.

Ngay sau khi hạ thủy và đưa về Huế, thuyền Long Quang đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên thành công của lễ hội Huyền thoại sông Hương trong Festival Huế 2008. Sau đó chiếc thuyền này đã trở thành nơi tiếp đón, chiêu đãi các đoàn nguyên thủ quốc gia, các khách quý của Thừa Thiên-Huế khi họ đến thăm và làm việc tại cố đô Huế.

Từ cuối năm 2008 đến nay, đã có hơn 80 lượt đoàn khách quan trọng trong và ngoài nước đã được mời chiêu đãi và phục vụ biểu diễn nghệ thuật trên thuyền, tiêu biểu như đoàn Thái tử Nhật Bản, Thủ tướng Pháp, Tổng thống Cộng hòa Trung Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 30 doanh nghiệp Cộng hòa Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc, Hội người bạn Huế tại Đan Mạch…

Công tác lễ tân trên thuyền Long Quang cùng chuyến du ngoạn trên sông Hương luôn tạo được ấn tượng rất tốt đẹp đối với các đoàn khách quốc tế, trong nước. Chưa kể giá trị mang lại do các hoạt động nêu trên, trong 2 năm vừa qua, các nguồn thu từ dịch vụ của thuyền cũng đã đạt 869.200.000 đồng, góp phần đáng kể vào nguồn thu chung của đơn vị.

Hiện nay, Trung tâm đã và đang nỗ lực nghiên cứu và áp dụng một số hình thức dịch vụ tại thuyền Long Quang, phối hợp với ngành du lịch để phát triển tour du lịch chất lượng cao.

Từ kinh nghiệm và bài học trong việc thực hiện các dự án nêu trên, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có kế hoạch phát triển hoạt động dịch vụ du lịch trong những năm tiếp theo, để khai thác tối đa cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, đóng góp hiệu quả hơn vào nguồn thu cho ngân sách địa phương./.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)