VH- Trao đổi với phóng viên Báo Văn Hoá, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Ngay sau khi có những bài báo phản ánh công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng quốc gia đền Hùng có dấu hiệu buông lỏng dẫn đến việc bị “lâm tặc” ngang nhiên vào rừng chặt hạ hàng chục cây lớn nhỏ, mở đường mòn làm biến dạng nghiêm trọng hàng nghìn m2 rừng, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh và báo cáo với UBND tỉnh.
Ông Hoàng Dân Mạc - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ (giữa) trả lời phỏng vấn của P.V Báo Văn Hóa
Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã nhận được báo cáo nhanh của những cơ quan chức năng, trong đó khẳng định không có việc rừng đặc dụng quốc gia đền Hùng bị “lâm tặc” chặt phá vô tội vạ mà cơ quan chức năng không biết hoặc làm ngơ.
Thưa ông, qua khảo sát thực địa chúng tôi cũng nhận thấy rằng, rừng đặc dụng quốc gia đền Hùng, nhất là ở khu vực núi Nghĩa Lĩnh không có dấu hiệu cho thấy “lâm tặc” ngang nhiên vào đây để chặt phá hoặc mở đường mòn. Nhưng vì sao dư luận lại phản ánh như vậy?
- Ông Hoàng Dân Mạc: Về điều này chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh làm rõ. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan như Sở NN&PTNT, Hạt Kiểm lâm, Công an, Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng… thường xuyên tuần tra, kiểm tra để bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối rừng quốc gia đặc dụng đền Hùng, nhất là khu vực Tam sơn cấm địa, nơi hiện đang toạ lạc các công trình di tích thờ cúng các vua Hùng.
Bên cạnh đó thường xuyên xây dựng phương án, chủ động phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ thế hơn 500 ha rừng đền Hùng luôn được bảo vệ, giữ gìn và ngày càng phát huy giá trị.
Hơn nữa, theo quy định, các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương muốn chặt, tỉa cây, hay cành cây nào trong khu vực rừng đền Hùng thì phải có ý kiến của UBND tỉnh mới được tiến hành. Bởi vậy, có một số bài báo phản ánh như thế một mặt không đúng sự thật, mặt khác gây ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của khu di tích.
Những cây gỗ quý như Đại Hải, Vắt... chỉ có ở rừng đền Hùng và những chùm hoa này thường chỉ đơm bông vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương
Thưa ông, nhằm bảo vệ và giữ gìn tốt hơn nữa rừng quốc gia đền Hùng, nhất là ở khu vực Tam sơn cấm địa, tới đây UBND tỉnh sẽ chỉ đạo như thế nào đối với các ngành chức năng?
- Trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hùng, UBND tỉnh đã luôn chỉ đạo các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan tích cực, chủ động tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những đối tượng có những hành vi xâm phạm đến rừng quốc gia đền Hùng.
Bởi chỉ cần ảnh hưởng diện tích nhỏ đối với rừng quốc gia đền Hùng cũng chính là ảnh hưởng đến tổng thể giá trị của khu di tích đền Hùng. Để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ và quản lý rừng quốc gia đền Hùng, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để các ngành chức năng, các cấp chính quyền nâng cao nhận thức, ý thức, xây dựng kế hoạch, chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tuần tra, bảo vệ rừng và công tác phòng chống cháy rừng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc giữ gìn và phát huy tài nguyên rừng quốc gia đền Hùng; có chính sách hợp lý để người dân xung quanh rừng nâng cao nhận thức và tích cực bảo vệ rừng.
Xin chân thành cám ơn ông!
Theo quy định, các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương muốn chặt, tỉa cây, hay cành cây nào trong khu vực rừng đền Hùng thì phải có ý kiến của UBND tỉnh mới được tiến hành. Bởi vậy, có một số bài báo phản ánh như thế một mặt không đúng sự thật, mặt khác gây ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của khu di tích. (Ông Hoàng Dân Mạc- Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ)
Nguyễn Hòa-Ngọc Năm
Theo Báo văn hoá