Những thành công ban đầu
Được chính thức triển khai từ khoảng năm 2004, Dự án bảo tồn nhóm tháp G đã trải qua 2 giai đoạn với tổng kinh phí gần 1,3 triệu USD, chủ yếu từ nguồn kinh phí của Chính phủ Italia tài trợ thông qua UNESCO và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trải qua nhiều bước tiến hành như phát quang, khai quật khảo cổ thu nhặt hiện vật, định vị, trùng tu … đã từng bước định vị lại nguyên trạng di tích. Các tháp G1, G2, G3, G4 qua bao năm vùi lấp đã được phát lộ; những tường bao, tường tháp bị xê lệch được kè chống cố định. Cùng với đó, hàng trăm hiện vật giá trị có niên đại hơn 700 năm như mặt kala, tai trang trí góc, rắn thần, ngỗng thần bằng đất nung, các thanh lanh tô, bệ yoni bằng sa thạch … được thu nhặt bảo quản vào kho, đo vẽ, khảo tả phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày tham quan.
Việc nghiên cứu tìm ra chất kết dính tường tháp bằng dầu rái của các chuyên gia Italia trở thành bước đột phá, mở ra hướng mới trong việc bảo tồn trùng tu các tháp Chăm không chỉ ở Mỹ Sơn mà còn nhiều nơi khác sau này. Ngoài ra, một thành công của Dự án là đã góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ và công nhân địa phương có phương pháp và kỹ năng trong việc trùng tu kiến trúc Chăm theo những nguyên tắc và quy chuẩn quốc tế như lập hồ sơ và lưu lại các dữ liệu liên quan trước khi tiến hành can thiệp vào di tích; nghiên cứu các hồ sơ tài liệu về các biện pháp can thiệp vào di tích … tương lai sẽ tiếp nhận công việc bảo tồn các tháp từ chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, thành công nhất của dự án là đã phân tích tìm ra công thức và các thành phần hợp chất của gạch Chăm để hoàn thiện quy trình sản xuất vật liệu gạch thay thế, vấn đề luôn đóng vai trò cốt lõi trong quá trình trùng tu các tháp lâu nay.
Và những tồn tại ...
Tồn tại của việc trùng tu nhóm tháp G thời gian qua không chỉ kinh phí, tiến độ thi công mà còn là kỹ thuật. Tại tháp G3 gạch trùng tu đã bị bong vữa bề mặt ngoài, một số mảng mới trùng tu bị bạc màu do quá trình muối hóa. Tiến độ triển khai dự án vẫn còn nhiều bất cập, nhiều hạng mục trùng tu qua nhiều năm vẫn chưa kết thúc; sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa đồng nhất. Dù mục đích của dự án mang tính khảo nghiệm trong việc thuyết minh và đào tạo ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn trùng tu các kiến trúc, đặc biệt là gạch đá nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao& Du lịch) cho rằng, một trong những hạn chế nhất của dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G chính là vật liệu gạch và đá ong “dù có nhiều mẫu gạch đạt chuẩn đã được thí nghiệm trùng tu nhưng hiệu quả vẫn cần thời gian trả lời”. Không những vậy, quá trình trùng tu cũng bộc lộ tính chủ quan như gạch trám tường được mài quá sâu dẫn đến lõi gạch bị lộ ra ngoài hay việc xây dựng các bậc cấp theo hình răng cưa tại tháp G1. Nhiều mảng tường trùng tu chỉ mới mang tính cố định hiện trạng chưa có tính thẩm mỹ theo nguyên trạng các tường tháp Chăm….
Khắc phục những tồn tại này, theo ông Mauro Cucarzi, Trưởng Ban cố vấn kỹ thuật dự án thì cần tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 3 thời gian khoảng 5 tháng với nguồn kinh phí từ 500 – 600 ngàn USD, cùng 50-55 công nhân, 3-4 kiến trúc sư, 3-4 cán bộ đo vẽ, 6 chuyên gia quốc tế mỗi tháng. Giai đoạn 3 ngoài việc khắc phục những hạn chế trên thì cũng sẽ hoàn thành dứt điểm những hạng mục còn lại như lối vào nhóm tháp G, gia cố định vị tháp G2, G4 ... tạo cơ sở tổng hợp kinh nghiệm, phác thảo kế hoạch thuyết minh hướng dẫn tham quan (bảng chỉ dẫn, lối đi, pano… ) và phát hành “Cẩm nang tu bổ di tích Chăm” làm tài liệu nghiên cứu bảo tồn các tháp Chăm sau này.
Qua 6 năm triển khai, dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng dự án đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp, từng bước định vị lại nguyên trạng nhóm tháp G, đặc biệt là G1.Từ đó tạo cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, trùng tu các tháp còn lại tại Mỹ Sơn như nhóm tháp F, E cũng như nhiều tháp khác trong tương lai./.
Theo CPV
cinet.gov.vn