Theo giáo sư Phan Huy Lê, việc phục dựng các kiến trúc cung điện tại Hoàng thành đang được tiến hành bằng công nghệ 3D. Di sản vừa được UNESCO công nhận này cũng sẽ mở cửa vào dịp đại lễ để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến chiều 11/8 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, giáo sư Phan Huy Lê cho biết, phục dựng một kiến trúc cổ theo đúng yêu cầu khoa học, tức là phải có đủ các thông số, các căn cứ thì Việt Nam chưa có điều kiện cần thiết. Nhưng có thể phục dựng theo công nghệ 3D, "có tới đâu phục dựng tới đó".
Theo ông, kết hợp với công nghệ 3D, có thể chỉ cho người xem từ di tích ngổn ngang còn lại hiểu được khi xưa di tích như thế nào, viên gạch này ngày xưa nằm ở đâu, các trang trí đẹp như vậy lắp vào vị trí nào trên mái... Hiện, Viện khảo cổ học, các nhà khoa học Nhật Bản cùng làm, trong đó có nhiều khoa học trẻ tuổi của Việt Nam tham gia.
"Trước hết là bảo tồn nguyên gốc, nếu phục dựng thì trước hết đó là phục dựng 3D, khi có điều kiện thì phục dựng thực tế", giáo sư Lê nói.
Đoan Môn, cửa chính đi vào Hoàng thành. Ảnh: Quang Xuân. |
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới, di sản này sẽ mở cửa đón khách vào tháng 10 tới. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, cho biết, các công việc chuẩn bị đang gấp rút tiến hành.
"Khu di tích sẽ được mở cửa vào dịp đại lễ nghìn năm, trong đó có khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu", ông Sơn nói
Sắp tới, Khu trung tâm Hoàng thành cũng sẽ được bổ sung thêm các biển báo hướng dẫn tại các cổng, thuận tiện cho việc vào tham quan.
Năm 2002, khu di tích được mở cửa một thời gian, sau đó ngừng lại để khai quật, nghiên cứu bảo tồn. Do Công ước Di sản văn hóa thế giới quy định di tích được bảo quản và trưng bày tại chỗ, gắn liền với di sản nên du khách muốn chiêm ngưỡng bất cứ di vật nào của Hoàng Thành đều phải đến tận nơi.
Nguyễn Hưng
Theo VnExpress ngày 12/8/2010