Trước hết, phải kể đến các di tích thuộc triều đại Lý ở địa bàn Thủ đô Hà Nội. Ðền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ quán là một trong bốn di tích thuộc 'Thăng Long tứ trấn', là di tích quan trọng được khởi dựng ngay sau khi Lý Thái Tổ định đô. Bức Tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ chống kiếm trên lưng rùa có từ thời Lê là một bảo vật quốc gia, mấy trăm năm vẫn uy nghi hiển hiện, trấn giữ bắc phương và là một điểm đến đẹp, thu hút đông khách du lịch và các nhà nghiên cứu. Năm 2009, Vinaremon đã nhận trách nhiệm trước UBND quận Ba Ðình, thực hiện tu bổ, bảo tồn, tôn tạo hoàn chỉnh theo những tài liệu khoa học còn có được để phục hồi diện mạo, kiến trúc đền xưa sau lần tu bổ năm 1893. Công việc thi công đã hoàn tất với chất lượng cao. Một di tích quan trọng khác thuộc 'Thăng Long tứ trấn' là Ðền Voi Phục trấn giữ phía tây kinh thành Thăng Long xưa cũng được công ty đảm nhận tu bổ từ năm 1999 và đến năm 2009 được giao dự án phục hồi tổng thể kiến trúc cảnh quan của đền. Ðây là ngôi đền khởi dựng năm Gia Khánh thứ 7 (1065) đời Lý Thánh Tông. Theo truyền thuyết, Linh Lang đại vương là hoàng tử con vua Lý Thái Tông đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh trong kháng chiến chống giặc Tống và được Vua cho lập đền thờ bảo hộ phía tây kinh thành. Trải qua bao biến động, năm 1953, nhân dân đã xây dựng lại đền trên nền xưa dấu cũ, cảnh quan tổng thể đẹp tuyệt vời. Trong một vài năm phát triển đô thị, buông lỏng quản lý dẫn đến việc lấn chiếm tự phát..., di tích đã chịu bao tổn thất, biến dạng. Ngoài việc tu bổ, chống xuống cấp một số hạng mục quan trọng, dự án còn góp phần sửa chữa những thiếu sót, bảo tồn, tôn tạo đúng với giá trị lịch sử văn hóa và thích nghi với quy hoạch mới, để di tích xứng tầm với ý nghĩa Tứ trấn Thăng Long và là một địa chỉ lịch sử văn hóa của Hà Nội. Tháng 8-2010, việc tu bổ đã hoàn tất với chất lượng cao. Bên cạnh đó còn có dự án tôn tạo Ðền Cơ Xá, thờ Quốc công Thái úy Lý Thường Kiệt, Anh hùng dân tộc với bài thơ Thần tuyên ngôn 'Nam quốc sơn hà' thời nhà Lý tại phường Bạch Ðằng, quận Hai Bà Trưng. Vượt qua khó khăn bởi công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ và bởi thiết kế kiến trúc gốc không còn, công ty đã hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng kiến trúc và nội thất thờ tự mang đậm nét văn hóa thời Lý. Cả ba công trình tu bổ đền Quán Thánh, Voi Phục và đền Cơ Xá đều được UBND TP Hà Nội gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tại Thanh Hóa, Thần Ðồng Cổ, biểu tượng kết tinh từ hình ảnh Trống Ðồng của nền văn minh Việt cổ, vốn được thờ ở thôn Ðan Nê, Yên Ðịnh. Ðây cũng là vị thần đã được Vua Lý Thái Tông rước về, dựng đền thờ ở kinh thành Thăng Long với hội thề trung hiếu vang danh lịch sử. Vinaremon đã từng tham gia tu bổ đền Ðồng Cổ ở Hà Nội trước đây và năm 2009 lại tiếp tục được tham gia vào dự án lớn tu bổ phục hồi, tôn tạo ngôi đền gốc tại núi Yên Ðịnh. Từ nền xưa, dấu cũ, một ngôi đền mới đã được dựng lên uy nghi theo kiến trúc truyền thống, mang đậm linh khí xưa. Dịp đầu xuân năm nay, trong âm vang trống đồng trầm hùng tại lễ khánh thành giai đoạn một của dự án, lãnh đạo của UBND TP Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa đã gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cho công trình. Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô, còn có thể kể tới hàng loạt công trình khác do công ty thực hiện như: đền Liễu Giai, chùa Sùng Phúc, đình Khương Trung, đình Hà Trì và nhà văn hóa Bạch Mai đều được đánh giá tốt và gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các cụm di tích chùa Bộc gắn với người Anh hùng áo vải Quang Trung, di tích Lăng mộ ông nghè Nguyễn Văn Siêu, các ngôi đình Mỹ Giang, Xuân Dục, Cự Chính cũng đang thi công gấp rút hoặc đang chờ giải phóng mặt bằng. Một số công trình như: di dời khảo cổ chân thành cổ Hà Nội cùng một số công trình khác công ty đảm nhận tư vấn dự án, thiết kế hoặc tư vấn đều được thực thi với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, tuân thủ các quy định của pháp luật và chất lượng công trình.
Cũng trong dịp này, một loạt công trình di tích quan trọng khác ở Bắc Ninh cũng do các chuyên gia, cán bộ công ty thực hiện trùng tu, tôn tạo và tu bổ đã hoàn thành như chùa Phật Tích trên sườn núi Lạn Kha (Bắc Ninh). Dựa trên nền tảng nghiên cứu, khảo cổ kỹ càng, với sự quan tâm của Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều tổ chức và cá nhân tâm huyết, chùa Phật Tích đã được tu bổ và dựng lại với kiến trúc thời Lê qua các tư liệu và di chỉ để lại. Bao khó khăn đã đến kể từ ngày khởi công, tượng Phật, tượng linh thú, nền móng tháp cổ và các di vật khảo cổ được bảo tồn, hiện thực hóa theo đúng tư liệu về truyền thống và hoàn thành tốt giai đoạn một vào tháng 9 vừa qua. Cũng tại Bắc Ninh, Vinaremon đã hoàn thành việc tu bổ đình Ðình Bảng được tặng thưởng 'Huy chương vàng chất lượng cao ngành xây dựng Việt Nam' cùng các công trình tu bổ đền thờ Lý Chiêu Hoàng, đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Hiện nay, công ty đang tập trung dồn sức thực hiện phỏng dựng lại công trình tháp Tường Long thời Lý bên bờ biển Ðồ Sơn (Hải Phòng)...
Không chỉ là các công trình tiêu biểu chào mừng Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những di tích và cụm di tích vừa hoàn thành nêu trên còn thể hiện khả năng và trình độ của các chuyên gia trùng tu, bảo tồn và tu bổ di tích của Việt Nam nói chung và của Vinaremon nói riêng, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc.
Ðoàn Bá Cử
Theo báo Nhân dân điện tử