Không thể giữ nguyên si di tích!?

“Giữ lấy cái tinh thần, ý nghĩa xác thực của di tích hơn là giữ di tích theo kiểu nguyên si, nguyên gốc, tôi cho đó mới là cách phù hợp với VN.” – Ông Đoàn Bá Cử, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương bày tỏ

Nhiều di tích cổ bị tu bổ sai lệch làm mất đi giá trị nguyên bản. Đây là thực trạng gây bức xúc dư luận thời gian qua. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Bá Cử, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương - st1:*{behavior:url(#ieooui) } đơn vị có truyền thống trong công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá trên cả nước, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn di sản nước nhà.

- Gần đây, dư luận khá bức xúc về thực trạng một số di tích bị phá dỡ hoàn toàn và trùng tu theo kiểu xây mới. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

+ Trên thực tế, việc tu bổ di tích ở nước ta gặp không ít khó khăn. Trong đó, tư liệu về các di tích là một thách thức không nhỏ. Phần lớn các công trình của ta đều làm bằng gỗ. Gỗ lim vốn bền nhưng chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong những công trình từ thời Lê. Bởi vậy nếu nói là phục dựng lại kiến trúc thời Lý mà phải là gỗ lim là sai. Kiến trúc thời Lý, chỉ còn lại một vài câu ghi trong văn tịch cổ, con số tính toán cũng mang tính ước lệ, vài trăm trượng hay nghìn trượng, làm sao có thể đo chính xác.

 

"Chúng ta không nên dàn trải quá nhiều di tích. Yêu cầu giữ gìn tối đa là chính xác, nhưng phải xác định tối đa đến đâu, bởi có cái tối đa được tới 90%, nhưng có cái chỉ đến 10%" -Ông Đoàn Bá Cử nhấn mạnh.

Hiện nay toàn bộ thư tịch cổ chỉ cho chúng ta nhận dạng mặt bằng thời Lý là như thế, còn giữ được một vài chân vạc, một vài mảnh gốm, vài pho tượng không hoàn chỉnh… Nếu yêu cầu dựng lại cái chùa này, đình này từ thời Lý thì không thể dựng được. Chỉ có thời Lê Trung Hưng và Triều Nguyễn mới để lại dấu ấn đầy đủ trên đất nước ta. Thêm nữa, bản chất vật liệu cũng không bền vững. Bởi vậy, việc tu bổ di tích cũng cần phải thay thế, có loại trừ cái này, cái kia. Lập dự án là khâu cần nhất trong cả quá trình tu bổ, thay cái gì, phục hồi như thế nào; nhưng khâu dự án của ta chỉ tính được như công việc tu bổ căn nhà cấp 4 theo khung giá trong khi các chuyên gia của ta không phải ai cũng có trình độ giỏi.

- Nhưng cũng chính vì sự thay thế mà chúng ta đang làm “trẻ hóa” di tích?

+ Trẻ hay không là do khác nhau về quan điểm. Tôi xin lấy một ví dụ cụ thể, báo chí cho rằng Đình Thụy Phiêu bị trẻ hóa có đúng không? Nếu chỉ trông vào mấy cây gỗ mới mà không biết được cái quý giá của ngôi đình nằm ở chỗ nào? Cái quý nhất của Đình Thụy Phiêu chính là cây cột ghi rõ niên hiệu của thế kỉ 16 và bức trạm mang dấu tích từ thời Mạc để khẳng định đây là ngôi đình cổ nhất Việt Nam. May mắn là những lần tu bổ trước, các cụ đã giữ lại được. Lần này chúng tôi cũng giữ lại những khấu kiện cổ nhất ấy, thậm chí giữ được nhiều hơn số khấu kiện so với bản thiết kế. Còn gỗ mục nát tất nhiên phải thay thế. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã chọn ra viên ngói cổ nhất để thiết kế tất cả những viên khác theo viên ngói đó. Vậy sao có thể nói là phá bỏ di tích?

Một di tích nếu không hạ giải thì không thể thiết kế và tìm được biện pháp xử lý, khắc phục nhằm bảo tồn di tích được. Hiện giờ dư luận chỉ nhìn vào phần hạ giải đó và cho rằng làm sai. Đây đang là vấn đề gây bức xúc, nhưng tôi nghĩ, cái gì cũng có tiến trình của nó và chúng ta phải theo thôi.

 

Đình Thụy Phiêu được coi là đình cổ nhất Việt Nam

(Ảnh: Tuổi trẻ)

- Thời gian qua, có phải chúng ta đã quá dàn trải trong việc tu bổ di tích dẫn tới tình trạng chất lượng di tích tu bổ chưa cao, thưa ông?

+ Năm 2008 có hơn 300 dự án xây dựng tu bổ di tích, nhưng chỉ có 74 dự án hoàn thành. Trong số đó 2 dự án do Bộ VH,TT&DL quản lý, còn lại do các tỉnh quản lý. Về nguyên tắc khi lập dự án tu bổ phải được sự đồng ý của Bộ, nhưng dự án gửi lên mà lâu quá không được duyệt thì tỉnh phải ký quyết định thôi. Thả mặc cho nhân dân muốn làm gì với di tích là điều rất nguy hiểm. Chỗ nào cũng đặt Phật bà trắng, như mỹ nhân, chỗ nào cũng gạch men Trung Quốc,… đây là điều không chấp nhận được và phải tìm cách khắc phục. Nhưng nếu cái gì cũng dồn vào vai Bộ thì Bộ không thể kham nổi, cần phải có sự phân cấp, phân cấp tới đâu, theo tôi cấp tỉnh là hợp lý. Tỉnh hoàn toàn có quyền và trách nhiệm để làm. Tất nhiên sẽ có tỉnh có chuyên môn tốt hơn tỉnh khác, nhưng nếu là họ làm thì trách nhiệm sẽ được đẩy cao hơn. Nhân dân đã nuôi di tích hàng nghìn năm nay, chính nhân dân sẽ là người đưa di tích vào tương lai. Nhưng nhân dân cần các nhà chuyên môn giúp đỡ, nếu chỉ có mỗi chính quyền cơ sở thì sẽ hỏng.

 

 

Công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương đã từng tiến hành trùng tu, tu bổ khu Văn Miếu Quốc Tử Giám và Xây dựng Nhà Thái Học Hà Nội; Thi công tu bổ Khu di tích đền Cửa Ông Quảng Ninh; Tôn tạo Khu di tích Chùa Keo Thái Bình; Tu bổ tôn tạo khu di tích chùa Dâu Bắc Ninh (2 giai đoạn); thi công xây dựng đền Âu Cơ-Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nghệ An, nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình…

Một việc mà cũng rất cần thiết phải làm, đó là phân cấp di tích ra đâu là di tích đặc biệt cấp quốc gia, đâu là di tích cấp tỉnh để có sự tập trung nguồn lực hợp lý. Chúng ta không nên dàn trải quá nhiều di tích. Yêu cầu giữ gìn tối đa là chính xác, nhưng phải xác định tối đa đến đâu, bởi có cái tối đa được tới 90%, nhưng có cái chỉ đến 10%. Nếu đặt ra phải tối đa tới 50% thì chúng ta sẽ đi vào chỉ tiêu mà chúng ta đã phải trả giá bằng nhiều đau xót. Theo kiểm kê nước ta có tới hơn 40 nghìn di tích, con số đó lớn hơn nhiều nước trên thế giới có diện tích lớn hơn nước ta. Trong số đó có 3 nghìn di tích cấp quốc gia và hơn 4 nghìn di tích cấp tỉnh. Chúng ta có danh hiệu nhiều di tích đó, nhưng thực chất lại không giữ được. Dấu ấn của một thời xa xưa mang tính tinh thần, tâm linh, cần phải xác định cái quý là ở giá trị tâm linh ấy. Toàn dân nước ta đều hướng về ngày giỗ tổ đền Hùng, đó là do giá trị tâm linh tồn tại trong mỗi con người. Họ biết nhớ đến truyền thống dân tộc, đó mới là cái quý giá. Giữ lấy cái tinh thần, ý nghĩa xác thực của di tích hơn là giữ di tích theo kiểu nguyên si, nguyên gốc, tôi cho đó mới là cách phù hợp với VN.

- Xin cảm ơn ông!

Bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Theo Luật Di sản văn hóa, tất cả các di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia khi tiến hành trùng tu tôn tạo phải có lập dự án, và dự án ấy phải được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch thông qua. Tuy nhiên một số trường hợp cụ thể vi phạm diễn ra gần đây, có những di tích không phải là di tích quốc gia, có những di tích không phải là dự án tu bổ của nhà nước mà là phần xã hội hóa của dân. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải là thường xuyên theo dõi, nhưng nhiều khi do không có báo cáo từ dưới nên chúng tôi nắm được. Còn những di tích cấp quốc gia đều đã có dự án và phải được duyệt, tất nhiên trong quá trình tu bổ, do những lỗi kĩ thuật sẽ xảy ra những sơ suất, nhưng không thể có chuyện không thành có.

Khánh Nguyên

Theo Báo điện tử Tổ Quốc ngày 29/4/2009