Không được tu bổ, các đình Thổ Hà, Sùng Văn và Đình Bảng sẽ bị đổ sập

Không hề nói quá lên một chút nào, nếu Nhà nước không kịp thời đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Hà, Đình Bảng (Bắc Giang), Sùng Văn (Nam Định) thì chắc chắn các công trình ấy sẽ bị đổ sập bởi nó đã xuống cấp nghiêm trọng...

Không hề nói quá lên một chút nào, nếu Nhà nước không kịp thời đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Hà, Đình Bảng (Bắc Giang), Sùng Văn (Nam Định) thì chắc chắn các công trình ấy sẽ bị đổ sập bởi nó đã xuống cấp nghiêm trọng...

 

Trong những ngày cuối tháng Tư và đầu tháng Năm vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ VH,TT&DL đã đi kiểm tra một số di tích có giá trị cao về mặt lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, trong đó dành nhiều thời gian quan tâm khảo sát, đánh giá công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình Thổ Hà, Sùng Văn và đình Đình Bảng. Vào những năm trước đây chúng tôi cũng đã có dịp đến các di tích này theo đơn thư phản ánh của người dân về tình trạng xuống cấp rất nghiêm trọng của công trình. Cách đây chừng sáu - bảy năm đình Đình Bảng đã bị xuống cấp khó có thể tả hết. Hệ thống mái đã bị xô lệch (trời mưa đứng ở trong đình cũng giống như ở ngoài), các bộ phận cấu kiện gỗ gần như bị mục ruỗng. Nhìn bề ngoài, những cây cột cái (cột chính), người ngoài nghề cứ tưởng nó vẫn đảm bảo chất lượng nhưng khi dùng máy và đặc biệt hạ giải xuống thì hầu hết đã bị tiêu tâm, rỗng ruột. Bộ khung của gian Hậu cung đã bị nghiêng lệch. Giới chuyên môn nhận định, đình Đình Bảng không những có giá trị về mặt lịch sử (niên đại) mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật thông qua phong cách kiến trúc của di tích, nhất là các bức chạm khắc gỗ rất tiêu biểu. Vì thế, nếu không kịp thời tu bổ trị liệu, nghĩa là phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và lên phương án tu bổ, tôn tạo kịp thời, toàn diện thì không biết lúc nào di tích sẽ bị đổ sập. Hiện trạng đáng buồn của di tích khi đó cũng đã được phản ánh trên nhiều tờ báo.

Ông Đặng Đình Luân, Trưởng ban quản lý di tích đình Đình Bảng nhớ lại: “Cũng rất may Nhà nước đã đầu tư bảo tồn di tích đình Đình Bảng kịp thời, nếu không sẽ không biết chuyện gì xảy ra, bởi vào thời điểm đó ai cũng nghĩ đình sẽ bị sập. Sợ thế nên chúng tôi phải lấy tre, gỗ chống đỡ. Khi hạ giải, chúng tôi cứ tưởng các cột cái còn chắc chắn lắm, nào ngờ đã bị rỗng ruột từ dưới chân lên đến tận đầu cột. Sợ thật!”. Theo Đoàn kiểm tra vào những ngày này, chúng tôi được “tận mục sở thị” công trình vừa hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Gặp chúng tôi nhiều cụ cao niên trong thôn không giấu được niềm vui vì không những đình làng được bảo tồn kịp thời mà sau khi tu bổ, tôn tạo ngôi đình vẫn giữ được giá trị kiến trúc ban đầu. Ông Đặng Đình Luân cho biết, “chúng tôi rất hài lòng với kỹ thuật trùng tu, tôn tạo di tích đình”.

Đình Sùng Văn đang trong giai đoạn tu bổ, tôn tạo     Ảnh : Tr.H

Có được điều đó là do các cơ quan chuyên môn của tỉnh và Trung ương đã  quan tâm thẩm định rất kỹ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, đồng thời thường xuyên kiểm tra trong quá trình thi công. Nhất là khâu phân loại, đánh giá cấu kiện gỗ khi hạ giải và đưa ra giải pháp tái sử dụng các cấu kiện gỗ đủ tiêu chuẩn. Đơn cử, mặc dù các cột gỗ cái nơi đây đã bị tiêu tâm, rỗng ruột nhưng cơ quan chuyên môn vẫn tái sử dụng theo cách “thay cốt ốp mang”, nghĩa là lõi là cột mới ốp phần vỏ cột gỗ cũ bên ngoài để lưu giữ lại nét xưa của ngôi đình. Hay như các bức chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao, đơn vị thi công tái sử dụng và lắp dựng đúng kỹ thuật truyền thống. Một lần nữa, các chuyên gia trong Đoàn kiểm tra đánh giá cao kỹ thuật trùng tu di tích này, theo đó cũng đưa ra một số ý kiến góp ý để ngôi đình ngày càng được phát huy giá trị di tích sau khi được trùng tu.

Di tích lịch sử, văn hoá và kiến trúc nghệ thuật đình Sùng Văn (xã Mỹ Thuận, Mỹ Lộc) cũng vậy. Có thể nói, xét riêng hệ thống  di tích đình trên địa bàn tỉnh Nam Định thì đình Sùng Văn giữ vị trí số một về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Nhưng trải qua thời gian cộng với sự xâm thực của thời tiết di tích đình Sùng Văn bị xuống cấp rất nghiêm trọng. Xem kỹ tập hồ sơ ảnh trước khi hạ giải di tích dễ nhận thấy gần như toàn bộ cấu kiện gỗ (trừ hệ thống cột cái) đã bị mục, mọt. Bờ nóc, con giống, mái ngói, cổng... đã bị xô lệch, mục nát. Ông Nguyễn Văn Thi, một người trong làng cho biết, “chúng tôi trông chờ Nhà nước đầu tư bảo tồn ngôi đình này từ lâu lắm rồi vì nó xuống cấp kinh khủng. Trước đây, hỏng những cấu kiện nhỏ thì dân làng có thể thay được nhưng nay nó xuống cấp gần như toàn bộ thì rất cần sự quan tâm của Nhà nước mới mong giữ lại được ngôi đình”. Hôm 8.5 vừa qua chúng tôi xuống khảo sát thực tế công tác thi công tu bổ tôn tạo đình Sùng Văn. Nhìn đống gỗ sau khi được hạ giải, lật từng khúc gỗ bị loại bỏ do không tái sử dụng được vì quá mục ruỗng thì mới thấy hết mức độ xuống cấp của di tích này. Ông Nguyễn Xuân Năm, Giám đốc Sở VH,TT&DL Nam Định nói cứ để di tích thêm một, hai năm nữa thì chúng ta sẽ có tội với tiền nhân bởi đến lúc đó nó sẽ bị đổ sập. “Nhìn vào các cấu kiện gỗ mới có thể nhận định được như thế. Sau khi hạ giải, chúng tôi cùng với cơ quan chuyên môn của Bộ tiến hành phân loại, đánh giá từng bộ phận, sau đó mới đi đến quyết định tái sử dụng cái gì. Quan điểm của chúng tôi là tái sử dụng tối đa. Ví dụ như, có những cột bị tiêu tâm hơn một nửa chúng tôi cũng đề nghị đơn vị thi công cắt phần hỏng sau đó nối vá với cột gỗ mới chứ không bỏ hết”, ông Năm cho biết.

Quan sát kỹ công trình từ những bộ phận cấu kiện gỗ sau khi lắp dựng đến các mối mộng, nhiều chuyên gia trong Đoàn nhận định rằng, đình Sùng Văn đang được trùng tu, tôn tạo đúng với bản thiết kế đã được thẩm định. Các cấu kiện gỗ sau khi hạ giải mà còn đủ điều kiện đã được tái sử dụng. Kỹ thuật trùng tu truyền thống đảm bảo chất lượng. Ông Thi cho biết: “Ngày nào tôi cũng ra đình để xem thi công. Cá nhân tôi rất yên tâm về đội ngũ thi công vì họ làm rất cẩn thận, bài bản. Hiện đang trong giai đoạn thi công nhưng tôi thấy ngôi đình đang được trả lại đúng với hình dáng ban đầu của nó”.

Những năm trước đây nếu ai đó đã từng đến tham quan di tích đình Thổ Hà, một trong những ngôi đình có giá trị kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, thì mới thấy hết mức độ xuống cấp của ngôi đình. Mặc dù được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn quan tâm đầu tư kinh phí chống xuống cấp nhưng đình Thổ Hà vẫn chưa ra khỏi sự nguy hiểm vì gần như hệ thống cột, cấu kiện gỗ, mái ngói đã rơi vào tình trạng báo động đỏ. Được biết, cách đây gần mười năm người ta đã dùng keo trộn với mùn cưa để phun vào trong nhiều cột gỗ cái nơi đây. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn đã bộc lộ những hạn chế, gây ảnh hưởng đến toàn bộ khung gỗ của ngôi đền.

Và nay di tích đình Thổ Hà chính thức được Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo một cách tổng thể. Hôm chúng tôi đến khảo sát, đình Thổ Hà đang trong giai đoạn hoàn thiện. Những kỹ thuật trùng tu di tích truyền thống đã được áp dụng triệt để. Bên cạnh việc tái sử dụng các cấu kiện gỗ đủ điều kiện, bên cạnh việc giữ bằng được các bức chạm khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao, tiêu biểu thì đơn vị thi công cũng đã áp dụng các kỹ thuật thay cốt ốp mang, chắp, nối vá chân cột, cấu kiện vì, kèo... Các hệ thống chân tảng đều được lắp dựng đúng với nguyên trạng của nó. Ông Lê Văn Thịnh, người trong làng cho biết, “ngày nào cũng ra đình để giám sát thi công. Tôi rất yên tâm về kỹ thuật trùng tu của đơn vị thi công”. Các cấu kiện gỗ sau khi hạ giải không thể tái sử dụng đã được các cơ quan chuyên môn phân loại, đánh giá rất kỹ. Cho đến thời điểm này vẫn chưa thể nhận định, hay đánh giá về chất lượng tổng thể của công trình nhưng với những hạng mục đang trong quá trình hoàn thiện thì thấy việc thi công đã được thực hiện đúng với bản vẽ thiết kế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ông Thịnh tâm sự với chúng tôi: “Nếu để qua mấy mùa mưa nữa mới làm thì e rằng quá muộn”.

Hầu hết các di tích lịch sử, văn hoá và kiến trúc của nước ta chủ yếu được làm bằng vật liệu gỗ. Trải qua nhiều triều đại, các di tích cũng đều được tu bổ, tôn tạo nhưng nó không thể bền vững vĩnh cửu. Trên thực tế, nhiều di tích hiện nay đang trong giai đoạn xuống cấp, báo hiệu nhiều nguy cơ đổ sập. Vì thế, việc đầu tư chống xuống cấp di tích và đặc biệt lập dự án tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích luôn được đặt ra. Và những di tích được đề cập ở trên là ví dụ. Nếu Nhà nước và nhân dân không quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị thì thử hỏi các di tích ấy có thoát khỏi nguy cơ trở thành phế tích. Đương nhiên, trong quá trình trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích đang có những vấn đề cần phải tiếp tục tìm ra những giải pháp tối ưu, nhưng không thể không thừa nhận kết quả của nó.

Nhóm phóng viên

Theo báo Văn hoá online ngày 11/05/2009