Chiều 19/5, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã thông báo kết luận thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá tại các di tích ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc.
Thực hiện Quyết định 1453/QĐ-BVHTTDL ngày 16/4/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch về việc kiểm tra thực hiện Luật Di sản đối với các di tích lịch sử, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các di tích lịch sử ở bốn tỉnh, thành phố phía Bắc là Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và Nam Định. Trong quá trình làm việc, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra 15 di tích. Trong đó Thành phố Hà Nội có 6 di tích (Chùa Trăm Gian, Đền Và, Chùa Bối Khê, Đình Mông Phụ, Đình Thuỵ Phiêu và Chùa Kim Liên); tỉnh Bắc Ninh có 4 di tích (Đình Đình Bảng; Đền Đô, Chùa Dâu và Đền Rồng); tỉnh Bắc Giang có 2 di tích (Chùa Bổ Đà và Đình Thổ Hà); tỉnh Nam Định có 3 di tích (Đình Sùng Văn, Chùa Keo, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền). Với các nội dung kiểm tra: Quy trình quản lý dự án đầu tư, Tổ chức thi công, kỹ thuật thi công và giá trị các di tích sau khi được tu bổ, đoàn kiểm tra đã có các kết luận bước đầu: các dự án thực hiện bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá được tuân thủ đúng các quy định về Luật Di sản văn hoá, đã thực hiện tốt quy trình đầu tư, xây dựng và các quy định về tu bổ di tích, kỹ thuật được đảm bảo. Sau khi tu bổ giá trị của di tích được bền vững, đảm bảo tính nguyên gốc và hiệu quả về nghệ thuật kiến trúc và lịch sử được nâng lên như: Đình Đình Bảng, Chùa Dâu, Chùa Keo, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Chùa Bổ Đà... Tuy nhiên, các dự án trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn công đức, thậm chí bằng nguồn vốn của địa phương thường không thực hiện đúng quy trình tu bổ di tích, kỹ thuật không đảm bảo, yếu tố nguyên gốc ít được coi trọng làm ảnh hưởng đến kiến trúc nghệ thuật của di tích lịch sử, đó là các di tích như Chùa Trăm Gian, Chùa Tiêu, Đình Xuân Tảo. Đối với vấn đề thi công, các đơn vị thi công chuyên ngành của Trung ương thực hiện đúng quy trình, tổ chức thi công khoa học, kỹ thuật thi công luôn đảm bảo yếu tố gốc của di tích và ngược lại. Bên cạnh đó, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra di tích ở một số địa phương lại chưa được thường xuyên, khi xảy ra sai phạm chưa có biện pháp khắc phục kịp thời. Trong buổi họp báo, đồng chí Vũ Xuân Thành, Phó trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá tại một số tỉnh thành phố phía Bắc khẳng định: “Việc trùng tu, tôn tạo các di tích cơ bản là đúng quy trình, những hạ mục công trình quá cũ mới được thay thế. Tất cả các di tích bằng gỗ đều phải thực hiện phương pháp hạ giải để đánh giá toàn bộ giá trị của di tích”. |
V.Hà |
Theo báo ĐCS online ngày 19/5/2009.