Trong buổi gặp gỡ này Ngài Donald Tusk đã trao đổi thân mật với Ông Phùng Phu (cựu lưu học sinh tại Ba Lan giai đoạn 1968-1974), Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, đơn vị đang quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tại Huế đã được UNESCO công nhận, và cũng là đơn vị đã và đang có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác Ba Lan từ những năm 1980 cho đến nay. Thủ tướng Ba Lan cũng bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến công tác bảo tồn trùng tu di tích, một thế mạnh của Ba Lan trong nhiều năm qua, và mong muốn các tổ chức và công ty chuyên môn về lĩnh vực này của Ba Lan sẽ tham gia tích cực hơn vào công cuộc bảo tồn di tích ở Việt Nam. Ngoài chương trình dự án bảo tồn Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế cũng nằm trong mối quan tâm phía Ba Lan trong các hoạt động hợp tác và hỗ trợ tín dụng giữa Việt Nam và Ba Lan trong thời gian tới. Trong dịp này Thủ tướng Ba Lan cùng Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam, Ngài Roman Iwaszkiewicz đã trao tặng Huân chương Công trạng của Tổng thống Ba Lan cho Ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Ông Nguyễn Văn Xương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan giai đoạn 2005-2009, vì những đóng góp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước (Ông Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng đã được tặng Huân chương này nhân chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan, Ngài Aleksander Kwaśniewski đến Việt Nam năm 1999).
Nhân dịp này, được sự đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Công ty CP Tu bổ Di tích và Thiết bị Văn hóa Trung ương-Chi nhánh Huế, sẽ phối hợp khởi công dự án Bảo tồn tôn tạo Bia Thị học Quốc Tử Giám Huế (nằm phía trước Bảo tàng Lịch sử Cách mạng hiện nay) với tổng kinh phí dự kiến là 708 triệu đồng, trong đó Đại sứ quán Ba Lan đóng góp tài trợ 18.700 đô la Mỹ sẽ được triển khai từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2010. Dự án nhằm bảo tồn tấm bia đá được gọi là Bia Thị học hay Bia Khuyến học vì nó được khắc với một bài dụ và 4 bài thơ do Vua Tự Đức sáng tác với nội dung khuyên răn các vị tiến sĩ tương lai đang học tập tại Trường Quốc Tử Giám phải biết cần mẫn, trung thực trong việc học để có thể đặt đến sự tinh thông trong nghiệp vụ cũng như thành đạt trên đường công danh. Đây là một di tích đá có giá trị về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật của triều Nguyễn, nằm trong tổng thể một cụm di tích được công nhận cấp quốc gia, và là một thành tố của Di sản văn hóa Thế giới đã được UNESCO công nhận. Dự án sẽ gồm 2 phần công việc chính: bảo tồn gia cố lại tấm bia đá; và dựng nhà che bia, nhằm bảo quản tốt hơn tấm bia trong điều kiện khí hậu đang thay đổi và góp phần tôn tạo cảnh quan, tạo điểm nhấn trên trục đường 23 Tháng Tám. Dự án này tuy quy mô không lớn, nhưng được cả hai Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế mong đợi sẽ là nhịp cầu nối tiếp đến các hoạt động hợp tác của hai nước với quy mô lớn hơn trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa. Nguyễn Văn Phúc(Theo Website của Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế) | ||||||