Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Ngày 10-8-2019, tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ VI, nhiệm kỳ 2014-2019. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, Sở VHTTDL Đồng Nai và một số cơ quan đơn vị ở Đồng Nai, các Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đại diện các Công ty, Trung tâm, đơn vị trực thuộc Hội.

Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Lê Kim Bằng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai bày tỏ niềm vinh dự được là nơi tổ chức Hội nghị BCH Hội DSVHVN lần thứ VI. Ông cũng chia sẻ, Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng đặc biệt quan tâm đến văn hóa. Với bề dày 320 năm hình thành và phát triển cùng nhiều dân tộc sinh sống trên địa bàn, Đồng Nai có hệ thống di sản văn hóa khá phong phú. Về di sản văn hóa vật thể, Đồng Nai hiện có 55 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt. Về di sản văn hóa phi vật thể, Đồng Nai có nhiều dân tộc sinh sống, nhiều tôn giáo, tạo nên một truyền thống văn hóa dân gian độc đáo, đặc biệt là văn hóa dân dộc đồng bào ít người. Tuy nhiên, Đồng Nai cũng gặp không ít những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa do những bất cập về luật trong quản lý di tích nói chung và di sản văn hóa nói chung. Ông cũng mong, Hội nghị hôm nay có nhiều giải pháp để Đồng Nai tiếp thu và đề xuất, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
Ông Lê Kim Bằng - Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Nai phát biểu chào mừng Hội nghị
Hội nghị đã nghe PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hoá Việt Nam, trình bày Báo cáo Tổng kết hoạt động Hội từ tháng 8-2018 đến tháng 8-2019 và Phương hướng hoạt động năm 2020. Theo đó, về công tác tổ chức xây dựng Hội, Hội đã tiếp nhận thêm 1 công ty thành viên thuộc Hội; kiện toàn BGĐ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Văn hóa Việt Nam; thành lập mới 4 tổ chức Hội, kết nạp và cấp thẻ cho 882 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn Hội lên gần 8.000 người, sinh hoạt trong 118 tổ chức Hội, gồm 10 hội cấp tỉnh, 3 liên chi hội, 5 câu lạc bộ, 100 chi hội, 2 hội viên tập thể, 18 đơn vị thuộc Hội.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ trình bày Báo cáo tổng kết và Phương hướng hoạt động Hội
Về công tác nghiên cứu, phản biện xã hội, hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, Hội đã phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông CMA và một số cơ quan, đơn vị tổ chức thành công Chương trình “Lễ dâng hương báo công Đức Thánh Trần”; chủ trì tổ chức Lễ trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam”; Hội và Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức Triển lãm ảnh Di sản Văn hóa Việt Nam; góp ý Dự án “Xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu só đến năm 2020. Tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số”; tham gia ý kiến phương án tổng thể phát triển không gian Văn hóa - Thương Mại - Dịch vụ - Du lịch tại khu vực 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn (1969-2019); cùng Hội Khảo cổ học khảo sát thực địa xác định các di chỉ gắn với thương cảng cổ Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có khả năng nghiên cứu khai quật bổ sung hồ sơ di tích… (xem toàn văn Báo cáo trên Tạp chí Thế giới Di sản điện tử: thegioidisan.vn).
PGS.TS Đỗ Văn Trụ cũng nhấn mạnh, Hội nghị lần này cần tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm cho hoạt động của Hội đồng thời bàn về công tác chuẩn bị tổng kết 15 năm hoạt động Hội tiến tới Đại hội Hội DSVHVN lần thứ IV (2019-2024).

Ông Lê Kim Bằng tặng hoa chào mừng Hội nghị
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí với những nội dung nêu trong Báo cáo; đồng thời, từ hoạt động thực tiễn ở cơ sở, nhiều ý kiến đã giới thiệu những kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả trong việc phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng và đóng góp của các doanh nghiệp,…trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Các đại biểu cũng đề nghị, thời gian tới, Trung ương Hội cần đẩy mạnh công tác phát triển các tổ chức Hội địa phương cấp tỉnh, thành, quận, huyện.
ThS Triệu Văn Hiển, Phó Chủ tịch Hội DSVH Thăng Long Hà Nội cho rằng, vị trí xã hội của Hội DSVH Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ nét. Hội DSVH Thăng Long - Hà Nội thường xuyên tổ chức cho hội viên tham quan các di tích, tổ chức các cuộc hội thảo, đặc biệt, Hội đã và đang làm đề tài cấp thành phố về hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông cũng mong, thời gian tới, Hội DSVHVN cần phát triển thêm các tổ chức Hội cấp tỉnh, thành.

ThS Triệu Văn Hiển phát biểu tại Hội nghị
ThS Lê Thị Tú Cẩm, Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TP Hồ Chí Minh bày tỏ niềm phấn khởi vì Trung ương Hội có nhiều hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú. Đối với Hội DSVH TP. Hồ Chí Minh, năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức hội thảo về du lịch di sản thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông và xã hội. Bà cũng chia sẻ niềm vui khi sau cuộc hội thảo này, tất cả những vấn đề về di sản văn hóa, từ vấn đề đặt tên đường phố đến những công trình về DSVH do Sở VHTT chủ trì, Hội DSVH TPHCM đều được các cơ quan quản lý nhà nước và báo chí tham khảo ý kiến. Bà cũng mong Trung ương Hội và các hội địa phương có nhiều hoạt động hơn nữa để ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 là ngày hội của những người làm di sản và đông đảo những người quan tâm, yêu thích di sản văn hóa của cả nước.

ThS Lê Thị Tú Cẩm phát biểu tại Hội nghị

TS, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng phát biểu tại Hội nghị

GS.TS Trương Quốc Bình phát biểu tại Hội nghị

Ông Lê Trí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Bà Nguyễn Thanh Tâm phát biểu tại Hội nghị

Lê Hùng Phi phát biểu tại Hội nghị

Ông Hồ Quang Sơn phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Ngọc Minh phát biểu tại Hội nghị
Theo ông Lê Trí Dũng, Ủy viên BCH, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp không ít khó khăn về cơ chế chính sách. Vì vậy, Hội cần tăng cường tư vấn, phản biện về cơ chế chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước.
GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên BCH Hội DSVH Việt Nam, ghi nhận và đánh giá cao lãnh đạo Hội đã chèo lái Hội để đạt được những kết quả như hôm nay. Ông cho rằng cần tăng cường hoạt động đào tạo về di sản văn hóa và đề xuất Cục Di sản văn hóa có những văn bản đề nghị các địa phương khi duyệt dự án cần tham khảo ý kiến của Hội DSVH Việt Nam và các tổ chức thuộc Hội.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam kiến nghị, năm 2020, Cục Di sản văn hóa xây dựng Đề án điều chỉnh Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, ông cũng mong, Cục DSVH xem xét những khúc mắc của đại biểu hôm nay: về hợp tác công - tư di sản; về điều khoản quy hoạch khảo cổ học; đưa cơ chế tự quản ở di tích, bảo tàng.

Bà Lê Thu Hiền phát biểu tại Hội nghị
Dưới góc độ quản lý nhà nước, bà Lê Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL, ghi nhận và cảm ơn những kết quả mà Hội DSVHVN đã đạt được trên 5 mặt hoạt động: về công tác xây dựng Hội, công tác nghiên cứu và phản biện, công tác tuyên truyền… Bà đánh giá rất cao Tạp chí Thế giới Di sản, cơ quan ngôn luận của Hội DSVH VN, coi đây là tạp chí chuyên ngành hàng đầu với những tin, bài phản ảnh kịp thời những vấn đề “nóng” về di sản văn hóa, những kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các địa phương, đặc biệt khi Tạp chí tham gia vào mạng lưới các tạp chí khoa học quốc tế (VJOL). Bà Hiền mong Hội DSVH Việt Nam và các đại biểu dự Hội nghị chia sẻ và đồng hành cùng Cục DSVH trong việc tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành các quy định, quy chế, chính sách về di sản văn hóa. Về công tác đào tạo, trong thời gian tới, Cục DSVH sẽ cố gắng đổi mới hình thức tập huấn với các lớp tập huấn chuyên sâu và mong tiếp tục nhận được các sự phối hợp của Hội và các chuyên gia của Hội…
Kết luận Hội nghị, GS.TS Đỗ Văn Trụ, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội nghị và khẳng định, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã và đang khẳng định vị trí, vai trò của một hội xã hội nghề nghiệp, được các cơ quan Nhà nước và Bộ VHTTDL và xã hội đánh giá cao. Từ nay đến cuối năm 2019, Hội có rất nhiều công việc quan trọng: tổ chức các hoạt động ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập và Đại hội Hội DSVH Việt Nam nhiệm kỳ IV, 2019-2024. Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Đại hội đã và đang được chuẩn bị tích cực. Hội kêu gọi các hội viên, tổ chức Hội tiếp tục thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội. BCH Hội sẽ ghi nhận những ý kiến của các đại biểu hôm nay để hoàn thiện Báo cáo và làm cơ sở điều chỉnh Điều lệ Hội (nếu cần thiết).
Cũng nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao Bằng khen cho Chi hội DSVH Ban Quản lý Di tích tỉnh Đồng Nai và một số tập thể, cá nhân tài trợ cho Hội nghị.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ tặng Bằng khen và hoa cho Chi hội DSVH Ban Quản lý di tích tỉnh Đồng Nai

PGS.TS Đặng Văn Bài tặng Bằng khen cho những cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác Hội

Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Trong những ngày ở Đồng Nai, các đại biểu đã đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa ở một số di tích, danh thắng của Đồng Nai: Khu Danh thắng Bửu Long; Văn miếu Trấn Biên; chùa Ông.


Các đại biểu dâng hương, nghe thuyết minh tại Văn miếu Trấn Biên

Các đại biểu tham quan Khu Danh thắng Bửu Long
Hội nghị Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ III (2014-2019) đã khép lại, để lại trong lòng đại biểu về dự Hội nghị từ khắp mọi miền của Tổ quốc ấn tượng sâu sắc về một hội nghị có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
Bài và ảnh: Bình - Hương