Gần đây, một số tờ báo đã đồng loạt lên tiếng phê phán phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đã làm hỏng trong khi trùng tu Đền Đô và việc phá Đền Rồng để xây mới. |
Là một người dân Đình Bảng, có nhiều năm tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa ở địa phương, tôi nhận thấy các bài viết đã không tìm hiểu kỹ nguồn gốc lịch sử cũng như giá trị văn hóa, kiến trúc của những di tích kể trên, vội vã đưa ra những ý kiến không mang tính xây dựng, vô tình phủ nhận nỗ lực, công lao của nhân dân Đình Bảng đối với việc trùng tu, tôn tạo các di tích, phủ nhận truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Đình Bảng.
Trong bài “Trùng tu, hết chịu nổi” của nhà văn Nguyên Ngọc đăng trên báo Tuổi trẻ online ngày 23-3-2009 có đoạn viết: “Đền Đô đã bị trùng tu làm hỏng hết rồi” và hai vị tướng Đá Rãi đóng khố cởi trần thờ ở Đền Đô “là những sáng tác độc đáo của những người trùng tu”, “trông như “…những chú Tễu rất vui mắt ở phường rối nước!”. Đền Đô không phải là trùng tu mà được xây mới hoàn toàn. Năm 1952 Đền Đô xưa đã bị giặc Pháp phá hủy sạch trơn, dấu tích còn lại của ngôi đền chỉ là tấm bia đá đã bị giặc Pháp bắn thủng lỗ chỗ. Năm 1989, được sự đồng ý của lãnh đạo các cấp, nhân dân Đình Bảng đã khởi công xây lại Đền theo đúng mẫu xưa, dựa trên những tấm ảnh do Viễn Đông Bác Cổ chụp còn lưu giữ tại Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Tượng hai tướng Đá Rãi thờ ở Đền Đô là những nhân vật lịch sử có thật. Hai ông là người dân tộc thiểu số, quê ở miền Trung ra phò vua Lý trị vì đất nước, lập nhiều công trạng, được tôn vinh và tạc tượng thờ bên các vị vua triều Lý. Những người xây dựng Đền Đô đã cố gắng đến mức cao nhất có thể để giữ nguyên hình mẫu tượng hai vị tướng Đá Rãi, theo ảnh của Viễn Đông Bác Cổ còn lưu lại.
Gạch rỡ ra là gạch làm thế kỷ XX của Nhà máy gạch Cầu Đuống và Từ Sơn, không phải là gạch cổ
Về việc các báo nêu Đền Rồng phá đi để xây mới là hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, họ không chịu tìm hiểu kỹ nguồn gốc lịch sử của ngôi đền, đều cho rằng Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng vẫn còn nguyên vẹn từ 700 năm trước, nay phá đi xây mới là làm mất đi một di sản quý giá. Báo Thanh niên ra ngày 13-4 còn “khẳng định”: “… Ngôi đền cổ này được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII, đến nay là hơn 700 năm… Chắc chắn chưa có một triều đại nào đập bỏ để xây mới!” Nếu tìm hiểu kỹ, các nhà báo sẽ hiểu rằng: Đền Rồng xưa đã bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn từ năm 1919. Năm 1921, một người con của Đình Bảng làm quan trong triều Nguyễn đã cho xây dựng lại, nhưng không đúng mẫu xưa, mang đậm nét châu Âu, có hiên tây, tường hoa chắn mái, nền lát gạch hoa, cửa cuốn tò vò… Không ít du khách và nhân dân địa phương bức xúc cho rằng: Đền Rồng đã bị “Âu hóa”, không có giá trị nghệ thuật, kiến trúc truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh đã được thông tin trùng tu Đền Rồng từ rất sớm và thủ tục tiến hành dự án này là hoàn toàn đúng với Luật Di sản văn hóa. Chính tôi là người tham gia làm hồ sơ công nhận Di tích lịch sử cho Đền Rồng. Khi xây dựng hồ sơ, tiêu chí chủ yếu đề nghị công nhận là nhằm tưởng niệm danh nhân chứ không phải bảo tồn kiến trúc nghệ thuật. Vì thực tế, kiến trúc của Đền Rồng cho đến thời điểm này không còn gì đáng giá. Đền qua quá nhiều lần trùng tu và kiến trúc hiện tại, khu tường hoa chắn mái là theo kiểu mới, riêng về mảng kiến trúc gỗ thì chỉ là bào trơn, đóng bén chứ không có nghệ thuật gì!”
Gỗ đá nhiều đoạn bị mủn, gẫy
Sau gần 80 năm sử dụng, ngôi đền đã xuống cấp, hư hỏng nhiều, nhân dân Đình Bảng đã nhiều lần sửa chữa, chắp vá để lấy nơi thờ cúng, chỉ ao ước có kinh phí để xây dựng lại cho xứng với tầm vóc của một ngôi đền thờ vua triều Lý. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, từ tháng 11-2007, UBND Đình Bảng đã có tờ trình, và đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép lập dự án đầu tư xây dựng. Mẫu ngôi đền mới đã được tham khảo qua nhiều ý kiến đóng góp của các cụ cao niên, và đã được trưng bày tại Đền Rồng từ tháng 1 năm 2008 để lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân.
Giữ nguyên giá trị văn hóa, kiến trúc của các di tích trong khi trùng tu tôn tạo là một việc làm rất cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, không thể tiếc một công trình đã cũ hỏng, lai căng, không có giá trị về nghệ thuật kiến trúc cổ… để xây dựng một ngôi đền mới khang trang, theo đúng mẫu xưa, mang dáng dấp và tâm hồn người Việt là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Đình Bảng, cùng nhiều du khách thập phương, tỏ lòng thành kính với Đức Vua Bà.
Theo Báo Bắc ninh ngày 16/04/2009