Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng BỘ VH, TT & DL Hoàng Tuấn Anh về việc kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá đối với các di tích lịch sử, ngày 29.4 và 4.5 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ VH,TT&DL đã tiến hành kiểm tra thực địa tại di tích chùa Dâu, đình Đình Bảng, đền Đô, đặc biệt dự án phục hồi di tích đền Rồng (thuộc tỉnh Bắc Ninh) và làm việc với lãnh đạo Sở VH,TT&DL, UBND phường Đình Bảng.
Đoàn kiểm tra xem xét cấu kiện gỗ sau khi hạ giải di tích đền Rồng. Ảnh chụp ngày 29.4.2009. Ảnh: Tr.H |
(VH)- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng BỘ VH, TT & DL Hoàng Tuấn Anh về việc kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá đối với các di tích lịch sử, ngày 29.4 và 4.5 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ VH,TT&DL đã tiến hành kiểm tra thực địa tại di tích chùa Dâu, đình Đình Bảng, đền Đô, đặc biệt dự án phục hồi di tích đền Rồng (thuộc tỉnh Bắc Ninh) và làm việc với lãnh đạo Sở VH,TT&DL, UBND phường Đình Bảng.
Theo chân Đoàn kiểm tra chúng tôi được “tận mục sở thị” hiện trường dự án phục hồi di tích lịch sử đền Rồng và tiếp cận các hồ sơ tài liệu liên quan. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ cấu kiện gỗ của di tích sau khi tiến hành đánh giá, phân loại đã được sắp xếp và dùng bạt che mưa nắng. Những cấu kiện gỗ mới cũng được đơn vị thi công dựng bạt để bảo vệ khỏi bị mưa nắng xâm thực. Hạng mục chính của ngôi đền đang trong quá trình phục hồi xây dựng. Toàn bộ cấu kiện gỗ đã hạ giải được bảo quản tương đối tốt. Quan sát kỹ thì thấy hầu hết những cấu kiện gỗ sau khi hạ giải đã mục ruỗng, không đủ điều kiện để tái sử dụng hoặc có nhiều cấu kiện gỗ mới được lắp dựng sau này không phù hợp với bản thiết kế. Những cấu kiện gỗ như cột, vì kèo... được chủ đầu tư, đơn vị thi công bảo quản và đưa vào tái sử dụng trong quá trình phục hồi. Kiểm tra kỹ những vật liệu xây dựng khi đã hạ giải thấy rằng, xen lẫn vào nhiều viên gạch từ đầu thế kỷ 20 là chủ yếu gạch có lỗ mà chỉ sau này mới xuất hiện. Phần Hậu cung được lát bằng gạch men hiện đại xen lẫn gạch bông (gạch xi măng), mặt tiền của di tích là bê tông, cốt thép mang dáng kiến trúc thời Pháp thuộc.
Di tích đền Rồng trước khi hạ giải. Với kiến trúc này có thể khẳng định ngay nó không thể là nguyên bản kiến trúc từ thế kỷ XIII, tức là cách đây trên... 700 năm
Vậy có hay không việc tu bổ di tích đền Rồng theo kiểu “đập bỏ để xây mới” như có tờ báo đã phản ánh gần đây? Đối chiếu với các hồ sơ văn bản liên quan chúng tôi nhận thấy rằng, trước khi đền Rồng được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh theo giá trị (loại hình) lưu niệm danh nhân lịch sử, chủ đầu tư là UBND phường Đình Bảng đã làm đầy đủ quy trình. Trước khi được tỉnh công nhận, đền Rồng là công trình văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng và chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các bước theo luật định, đồng thời được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép triển khai phục hồi di tích. Bên cạnh đó cũng có các văn bản của các Sở, ngành liên quan của tỉnh cho ý kiến, hướng dẫn và thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật phục hồi di tích. Cũng cần nói thêm rằng, dự án phục hồi và phát huy giá trị đền Rồng được UBND phường Đình Bảng triển khai từ năm 2007 và đến cuối năm 2008 mới được UBND thị xã Từ Sơn ra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu. Trong thời gian lập dự án, đền Rồng chưa được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Và đến ngày 15.1.2009, UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng thì lúc đó hồ sơ dự án phục hồi di tích đền Rồng đã hoàn chỉnh. Điều đáng tiếc ở đây là, chủ đầu tư đã không gửi trình lại hồ sơ dự án đã được lập từ trước đó lên Sở VH,TT&DL thẩm định theo quy định của Luật Di sản văn hoá mà cứ triển khai thi công. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thạc Vinh, Chủ tịch UBND phường Đình Bảng đã nhận thiếu sót về vấn đề này và cho biết sẽ hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
Theo tôi, có lẽ người viết không chuyên theo dõi lĩnh vực này, trước khi phản ánh những thông tin đó lên báo lại chưa điều tra kỹ. Cũng do chưa nhận thức được đầy đủ như thế nào là “bảo vệ nguyên trạng” hay “giữ yếu tố nguyên gốc” trong trùng tu di tích nên nhiều khi dư luận báo chí hay xã hội có những thắc mắc không thực sự chính xác. Tôi lấy ví dụ, khi xem một tấm ảnh trên báo về một di tích đang được hạ giải trùng tu, phía dưới còn ngổn ngang vật liệu, nếu ai không nắm được quy trình trùng tu, cộng với thông tin thiếu chính xác của người phản ánh thì sẽ cho rằng người ta đang phá di tích. |
Xem các ảnh hiện trạng trong quá trình hạ giải thì thấy rõ, đơn vị thi công đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, đó là từng bước dỡ bỏ từng phần. Đến cấu kiện gỗ, trước khi hạ giải, đơn vị thi công đã đánh dấu (số), gỡ bỏ từng vì kèo, rui mè... Bằng những hồ sơ văn bản có liên quan và các ảnh hiện trạng hạ giải thì không thể nói rằng chủ đầu tư đã đập bỏ di tích để xây mới như có tờ báo đã phản ánh. Có thể trong quá trình hạ giải, công trường ngổn ngang nên khi nhìn vào đó người ta có cảm giác “đập bỏ” di tích chăng? Ông Nguyễn Thạc Vinh cho biết: “Nếu tôi đập bỏ di tích như báo Thanh Niên viết thì chắc rằng tôi đã bị xử lý kỷ luật từ lâu rồi. Khi tiến hành hạ giải có sự chứng kiến của dân làng và các ban, ngành của huyện”. Ông Vinh cũng thừa nhận rằng, do không hiểu biết kỹ về thuật ngữ chuyên môn nên trong hồ sơ dự án đã sử dụng cụm từ “tu bổ di tích”. Thực ra đối với dự án này, phải sử dụng thuật ngữ “phục hồi di tích” mới phải vì nó chỉ được dựng lại trên nền cũ. Về vấn đề này, Đoàn kiểm tra cũng cho rằng, việc sử dựng thuật ngữ tu bổ di tích đền Rồng là chưa phản ánh đúng nội dung và mục đích của dự án.
Di tích đền Rồng đang trong giai đoạn PHỤC HỒI chứ không phải là TU BỔ như cách gọi của chính quyền địa phương. (Chụp 29.4.2009)
Một trong những vấn đề mà dư luận trong thời gian qua quan tâm và bày tỏ bức xúc là vì sao lại “đập bỏ” một công trình có lịch sử 700 năm như đền Rồng. Sự thật như thế nào? Qua các tài liệu sách, báo và đặc biệt là các văn bản hiện còn cho thấy: “Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng, được khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII. Khu đất khi mới dựng đền rộng tới hai mẫu bảy sào Bắc Bộ, trên đó là vườn rừng. Đền gồm nhiều nhà, nhiều gian, cột xà bẩy kẻ đều bằng gỗ Lim quý giá, mái lợp ngói mũi hài. Đền có sân rộng, hai bên sân có hai toà giải vũ, phía ngoài lại có hai dãy nhà khách, mỗi dãy bốn gian. Trải qua năm tháng biến động, đền qua nhiều lần đổ nát, dựng lại, cho đến nay khu đất dựng nền chỉ còn hơn 3.000m2... Đền Rồng hiện đã thay đổi nhiều so với đền xưa, nhưng vẫn còn nguyên trên nền cũ, được nhân dân cả xã công đức trùng tu” (theo cuốn Lịch sử xã Đình Bảng, tập 1, ấn hành năm 2001). Qua sự trích dẫn trên cũng đã cung cấp cho biết, di tích này được khởi dựng từ cuối thế kỷ XIII và bị đổ nát, dựng lại nhiều lần chứ không phải còn nguyên bản kiến trúc cách nay 700 năm như có tờ báo khẳng định.
Chưa hết, theo nhiều bậc cao niên trong thôn, do thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi đền đã bị huỷ hoại hoàn toàn vào năm 1919. Đến năm 1921, một người con của làng Đình Bảng làm quan trong triều Nguyễn đã hưng công xây dựng lại nhưng không theo mẫu xưa mà kiến trúc đậm nét thời Pháp thuộc: có hiên tây (tường hoa chắn mái dạng cuốn thư), nền lát gạch hoa, cửa cuốn tò vò. Phần khung gỗ được tận dụng từ vật liệu của ngôi đền trước và làm theo kiểu kẻ truyền bào trơn đóng bén, không chạm khắc trang trí. Khảo sát thực địa tại di tích, PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống nhận định, giá trị kiến trúc nghệ thuật của đền Rồng thấp hơn nhiều so với giá trị tôn vinh danh nhân lịch sử vì đây là di tích được dựng lại trong thế kỷ XX. Hiện trong khu vực nội tự di tích có hai nhà Tả, Hữu vu được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, cổng được xây vào năm 2000. Với những tư liệu, hình ảnh hiện tồn có thể khẳng định rằng, kiến trúc của đền Rồng trước khi hạ giải để phục hồi chứa đựng rất ít giá trị về mặt lịch sử và nhất là nghệ thuật. Bởi vậy, không có đủ căn cứ để nói rằng, kiến trúc của ngôi đền Rồng trước khi hạ giải có giá trị 700 năm như một vài ý kiến khẳng định trong thời gian vừa qua.
Nhóm P.V
Theo Báo Văn hoá Online ngày 06/05/2009