Từ ngày 29/4 đến 12/5, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa tại 4 địa phương phía Bắc (Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định). 15 di tích được kiểm tra đợt này đều có dấu ấn đặc biệt, thu hút sự chú ý của dư luận rộng rãi suốt thời gian qua về việc hạ giải, trùng tu, tôn tạo…
Đền Rồng: Không có sai phạm trong tu bổ
Từ kết luận của đoàn kiểm tra (gồm đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL cùng các chuyên gia Cục Di sản văn hóa), ngày 13/5, ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ, Phó Trưởng đoàn đã ký báo cáo trình Bộ trưởng kết quả kiểm tra đền Rồng, di tích gây tranh cãi gay gắt nhất trên các phương tiện truyền thông gần đây quanh việc "dỡ bỏ để xây mới".
Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, đền đã được hạ giải toàn bộ, cấu kiện gỗ của di tích được đánh giá, phân loại và sắp xếp có bạt che mưa nắng để bảo quản. Trên nền đền cũ đã được xây dựng tường cao khoảng 2m bằng gạch mới, chân móng được đổ giằng bê tông dầm khoảng 15cm.
|
Đền Rồng (Bắc Ninh) được kết luận hầu như không có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. |
Hầu hết những cấu kiện gỗ đã mục ruỗng, không đủ điều kiện tái sử dụng. Một số cấu kiện gỗ có hoa văn được chủ đầu tư và đơn vị thi công đánh dấu, lập hồ sơ bảo quản để đưa vào tái sử dụng trong quá trình phục hồi đền. Vật liệu xây dựng, ngoài một số viên gạch từ đầu thế kỷ XX còn chủ yếu là gạch lỗ (gạch chỉ sau này mới có).
Phần hậu cung lát bằng gạch men xen lẫn gạch bông, mặt tiền của công trình là bê tông cốt thép. Căn cứ vào hồ sơ hiện có và kết quả kiểm tra các vật liệu sau khi đã hạ giải, đoàn kiểm tra kết luận: Kiến trúc đền Rồng ít có giá trị kiến trúc nghệ thuật và đền Rồng là loại hình di tích "tưởng niệm nhân vật lịch sử".
Trước khi được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa", đền Rồng là công trình văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng và chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật khi tiến hành phục hồi.
Mặc dù vậy, đoàn kiểm tra cũng nhận định, sau khi đền Rồng được UBND tỉnh Bắc Ninh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (ngày 15/1/2009), việc phục hồi di tích phải tuân thủ theo quy định của Luật Di sản.
Cụ thể ở đây là Quyết định 05/2003/QĐ-BVHTT. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không điều chỉnh quy trình (hồ sơ) của dự án cho phù hợp với quy định mà vẫn sử dụng hồ sơ (quy trình) dự án của một công trình văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này chưa đúng với quy định đã đề ra.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ VH-TT&DL yêu cầu Sở VH-TT&DL Bắc Ninh hướng dẫn để UBND phường Đình Bảng bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ và tiến hành phục hồi đền Rồng theo đúng QĐ 05/2003.
Cụ thể, Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh phải tiến hành đánh giá, phân loại lại các cấu kiện kiến trúc cũ của đền để tái sử dụng các cấu kiện còn khả năng, đồng thời điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế, phục hồi đền Rồng trên cơ sở tư liệu phục hồi và cấu kiện được tái sử dụng của đền cũ.
Người dân còn chủ quan và tự phát?
Theo ông Nguyễn Văn Tảo, thành viên đoàn kiểm tra, 15 di tích nói trên ngoài đền Rồng còn có: Chùa Kim Liên, đền Và, đình Mông Phụ, chùa Trăm Gian, đình Thụy Phiêu, đình Bối Khê của Hà Nội. 4 di tích tại Bắc Ninh: Đền Rồng, chùa Dâu, đình Đình Bảng, đền Đô. 2 di tích tại Bắc Giang là chùa Bổ Đà, đình Thổ Hà và 3 di tích còn lại thuộc Nam Định: Chùa Keo, đình Sùng Văn, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền…
Tuy kết luận cuối cùng về 14 di tích đang được đoàn kiểm tra soạn thảo, chuẩn bị công bố trong một buổi họp báo tới đây, nhưng theo một số thành viên trong đoàn, chỉ có công trình tu bổ di tích chùa Trăm Gian là sai về quy trình nên đã không đảm bảo yếu tố gốc. Những di tích còn lại chưa tu bổ xong nhưng được cho là không sai về quy trình?!
Trao đổi với PV Báo CAND sáng 14/5, một đại diện Đoàn kiểm tra cho biết: Nếu đúng quy trình, từng hạng mục tu bổ phải có dự toán thiết kế, phân loại cấu kiện nhưng tại chùa Trăm Gian không đáp ứng được các yêu cầu này. Ở đây, người dân đã tự phát quét dầu bóng vào cột, kèo, tượng và cả các vị La Hán nên vô tình xóa đi dấu vết niên đại của di tích.
Trên thực tế, ở một số địa phương, người dân, vì tấm lòng với di tích quê hương mình đã tự phát tu bổ, sửa sang. Do thiếu sự nghiên cứu, thiếu hiểu biết về tu bổ, tôn tạo di tích nên nhiều trường hợp đã dẫn đến những cảnh ngộ trớ trêu, vi phạm Luật Di sản văn hóa...