Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa

ND- Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), do Công ty tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thực hiện từ năm 2007, hiện đang được đẩy nhanh tiến độ thi công và dự tính sẽ hoàn thành trong khoảng cuối năm nay.

Khu di tích này là nơi thờ tự, tưởng niệm và tri ân những người lính trong đội Hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ và thực hiện chủ quyền của Nhà nước Ðại Việt và Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ cách đây hơn 300 năm. Trong các sách cổ như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Ðôn, Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú hoặc Ðại Nam nhất thống chí,... đã viết khá rõ về đội thủy binh được giao nhiệm vụ khai thác và canh giữ vùng lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa. Lúc làm Hiệp trấn Thuận Hóa (1776), Lê Quý Ðôn đề cập đến đội Hoàng Sa như sau:

 

"Trước Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu tư mà ra biển, ba ngày ba đêm thì đến đảo ấy (...) Ðến kỳ tháng tám thì về...". Ngay từ lúc trấn nhậm phương nam, các đời chúa Nguyễn đã nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không chỉ là nơi có nhiều sản vật, khoáng sản mà còn là cửa ngõ có tính chiến lược, là tiền đồn bảo vệ lãnh hải Tổ quốc. Hằng năm, cứ sau Tết Nguyên đán, những trai tráng khỏe nhất trong vùng Sa Kỳ (sau này chủ yếu là dân đảo Lý Sơn) lại được lựa chọn sung vào đội Hùng binh Hoàng Sa và đội Bắc Hải lên đường ra Hoàng Sa, Trường Sa. Hiện tại, ở vùng đất cửa biển Sa Kỳ, nhất là ở hai làng An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến những cuộc ra đi của đội Hoàng Sa cách đây hơn 300 năm. Ðó là những di tích như: Một Vườn Ðồn, nơi đội Hoàng Sa đóng doanh trại, miếu Hoàng Sa, đình làng An Vĩnh, nơi làm lễ tế và tiễn biệt đội hùng binh; Âm linh tự - đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong và một số miếu thờ các cai đội từng dẫn quân ra Hoàng Sa, Trường Sa cùng khu mộ gió, nơi người dân trên đảo xây các ngôi mộ giả để tưởng nhớ những người lính "một đi không trở lại". Sở dĩ các chúa Nguyễn trước đây và sau này là nhà Nguyễn chọn Sa Kỳ rồi đảo Lý Sơn làm nơi xuất phát của đội "thủy quân" bởi từ đây ra Hoàng Sa và Trường Sa là gần hơn cả, đồng thời, trai tráng miền biển Sa Kỳ - Lý Sơn là những tay đi biển lành nghề, từng trải sóng gió và có kinh nghiệm thủy chiến. Rất nhiều người trong số họ ra đi làm nhiệm vụ và đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng lãnh hải cực đông của Tổ quốc.

 

Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại xã An Vĩnh trên đảo Lý Sơn gồm bốn gói thầu: nhà trưng bày tranh, ảnh, hiện vật rộng 347 m2; phục dựng đình làng An Vĩnh có diện tích 250 m2; tôn tạo miếu thờ cai đội Phạm Quang Ảnh chỉ huy đội Hoàng Sa; dựng tượng đài về đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 15,37 tỷ đồng. Sau thời gian triển khai thi công, đến nay, công việc đã hoàn thành được khoảng 65 %. Các hạng mục công trình: san nền, kè chắn, sân vườn, tường rào, nhà trưng bày đang được xây dựng hoàn chỉnh. Ðã hoàn thành phục dựng đình làng An Vĩnh, trông ra Biển Ðông được trùng tu ngay trên nền đất đã từng in dấu chân bao hùng binh từ biệt quê hương, giong buồm hướng về Hoàng Sa - Trường Sa với các kiến trúc đình thượng, đình hạ, đình trung theo kiểu đình cổ khi xưa. Phần tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa cũng đã xây dựng xong phần bệ tượng và đang hoàn tất phần tạc tượng. Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã lập xong đề cương trưng bày nội thất, sưu tầm hiện vật và phục dựng văn hóa phi vật thể Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Bên cạnh phần tôn tạo này, dự án còn tiến hành trùng tu những miếu thờ, di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa- Bắc Hải ở huyện Lý Sơn và xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh.

 

VIỆC tôn tạo Khu di tích lịch sử Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa là sự tưởng nhớ, tôn vinh công lao và sự hy sinh của các bậc tiền nhân trong công cuộc giữ đất, bảo vệ chủ quyền đất nước, góp phần giúp các nhà nghiên cứu và các thế hệ hôm nay nghiên cứu, tìm hiểu về Hoàng Sa - Trường Sa. Cùng với các di tích, hình ảnh những đội thủy binh đất Việt, chủ yếu là con dân đảo Lý Sơn đi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa - Trường Sa và những bài ca về họ đã tạc vào lòng người, hiện thân trong các nghi thức của dân đảo vào mỗi mùa tế lễ tưởng niệm đầu năm. Có thể nói, hình ảnh của những người lính đội Hùng binh Hoàng Sa- Trường Sa cách đây hàng trăm năm đã trở thành cột mốc bất tử của chủ quyền đất nước trên hai vùng quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

HẢI LÂM
Theo Báo Nhân dân ngày13-04-2009