Bài 2: “Viết như vậy là không đúng sự thật”!

VH- Sau khi khảo sát thực tế xung quanh khu rừng bao quanh núi Nghĩa Lĩnh, nơi toạ lạc các công trình kiến trúc thờ cúng các vua Hùng, chúng tôi dự định sẽ có buổi trao đổi trực tiếp với những cơ quan chức năng có liên quan, trong đó có đại diện Hạt Kiểm lâm thành phố Việt Trì mong có câu trả lời thoả đáng những vấn đề mà dư luận báo chí đã đặt ra.

Cây đa Nhộng vàng bị cơn bão vào tháng 5.2011 quật đổ (ảnh chụp ngày 13.3.2012).

Hiện trạng này khớp với báo cáo của BQLDT gửi UBND tỉnh Phú Thọ ngay sau bão


Tuy nhiên, để cho thật sự khách quan, nhóm phóng viên Báo Văn Hóa đề nghị đại diện các cơ quan chức năng này cùng đi kiểm tra thực tế một lần nữa.

Gạt bỏ những cơn thở dốc sau hơn hai tiếng leo núi, chúng tôi lại tiếp tục điền dã xung quanh khu rừng cùng với cán bộ, lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng. Có mặt tại khu vực đền Giếng, chỉ vào gốc cây dường như vừa được cưa cắt cách đây không lâu, phóng viên đặt câu hỏi vì sao lại có chuyện này, ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng cho biết: Đây là gốc cây Xà cừ. Trước khi chặt hạ nhằm bảo vệ công trình kiến trúc di tích khi mùa mưa bão sắp về, Ban quản lý Khu di tích đã phối hợp với cơ quan chức năng liên quan khảo sát, đánh giá và có văn bản kiến nghị với UBND tỉnh Phú Thọ. Nhận thấy rằng, đây không phải là cây bản địa, hơn nữa lại được trồng ở gần vị trí công trình kiến trúc di tích nên Ban quản lý Khu di tích lịch sử đền Hùng cùng với các ngành chức năng đề xuất chặt để bảo vệ di tích. Ý kiến này đã được UBND tỉnh đồng ý. Không chỉ riêng cây này mà một số cây Xà cừ ở khu vực đền Hạ, đền Trung cũng được UBND tỉnh cho phép chặt hạ, tỉa cành vì có nguy cơ bị đổ, gãy trong mùa mưa bão.

Cũng trên tuyến đường từ đền Giếng lên đền Hạ, nhóm phóng viên lại một lần nữa nhìn thấy có hai cây đa cổ thụ bị gãy đổ, thân cây còn nằm bên triền dốc. Phải chăng những cây này là do “lâm tặc” đốn hạ mà các cơ quan chức năng không hề hay biết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị không gian, cảnh quan và môi trường sinh thái của Khu di tích? Ông Các giải thích, vào tháng 5.2011, ở khu vực đền Hùng có một trận bão lớn gây đổ, gãy nhiều cây, trong đó có hai cây đa Nhộng vàng này.

Ngay sau khi bão tan, các ngành chức năng đã kiểm tra hiện trạng và nhận thấy không thể cứu được mặc dù cây rất quý nên đã có báo cáo nhanh với UBND tỉnh cho phép chặt hạ những cây bị mưa bão làm đổ.

Vào thời điểm đó, “chúng tôi đã thống kê được 196 cây rừng, cây sinh cảnh bị mưa bão làm gãy đổ. Ví như trên khu vực núi Nghĩa Lĩnh bão đã làm đổ, gãy 53 cây có đường kính gốc từ 15- 55cm; chiều cao trung bình từ 8-15m, trong đó một cây Xà cừ phía trước đền Trung bị bật gốc và đổ gãy dẫn đến làm nát cây Đại trắng phía trước đền; một cây Lát hoa và một cây Đa si tại khu vực đền Hạ đã bị bão, lốc làm gãy đổ”, ông Các nói.

Lên đến khu vực đền Trung, ông Các cùng với chúng tôi đã tiến hành khảo sát những gốc cây do mưa bão làm gãy, đổ và những cây được UBND tỉnh Phú Thọ cho phép chặt hạ nhằm bảo vệ di tích.

Đứng cạnh gốc cây Xà cừ mới được chặt hạ cách đây không lâu, ông Các cho biết đấy là cây đã được UBND tỉnh đồng ý cho chặt. Bởi nếu không chặt thì khi mùa mưa bão đến sẽ có khả năng gãy đổ, thân và cành cây sẽ ập xuống khu hậu cung đền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích.

Nói có sách, mách có chứng, một cán bộ Ban quản lý Khu di tích đi cùng cho biết thêm, đầu tháng 6.2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi các ngành chức năng có liên quan về việc cho phép chặt hạ và tỉa cành một số cây có nguy cơ bị đổ, gãy trong mùa mưa bão.

Tổng số cây được chặt hạ, tỉa cành là 29, trong đó bao gồm 12 cây Xà cừ, 2 cây Thông, 1 cây Lim xẹt; Số cây tỉa cành là 13, chủ yếu là cây Xà cừ. Bởi vậy, những gốc cây mà một số bài báo cho rằng là do “lâm tặc” ngang nhiên vào chặt phá là không đúng. Còn những thân cây ngã đổ ở phía triền rừng nhìn từ đền Trung xuống là do mưa bão, lốc gây nên chứ không có việc “lâm tặc” vào chặt phá như một số bài báo đã viết.

Ông Nguyễn Xuân Các (phải), Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng: "Cây bị bão quật ngã vẫn được giữ nguyên.

Nói "lâm tặc" ngang nhiên vào chặt phá là không đúng"


Ra khu vực phía sau đền Thượng theo hướng đông bắc, nhóm phóng viên chỉ về phía con đường mòn dài hun hút xuống tận chân núi Nghĩa Lĩnh và hỏi rằng, vì sao lại xuất hiện con đường mòn không đáng có này? Và đây có phải là con đường do “lâm tặc” bạo gan xẻ núi, chặt cây gây huỷ hoại hàng nghìn m2 rừng đặc dụng quốc gia đền Hùng? Ông Nguyễn Xuân Các cho biết, “trước khi trả lời những câu hỏi này, đề nghị các phóng viên cùng với cán bộ của Ban quản lý Khu di tích đi xuống lại một lần nữa để kiểm tra xem có gốc cây nào nằm trên con đường mòn nay không”.

Một cán bộ đứng gần đó nói thêm, khi một số dư luận phản ánh rừng quốc gia đền Hùng bị tan hoang hay có người xẻ núi đền Hùng, các bộ phận có liên quan đã tiến hành kiểm tra, khảo sát tại những địa điểm mà một số dư luận phản ánh. “Chúng tôi cũng đã có văn bản báo cáo nhanh với Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các Bộ, ngành liên quan và khẳng định rằng: Không có chuyện đó”, cán bộ này nói.

Tại buổi làm việc với nhóm phóng viên Báo Văn Hóa có sự tham gia của đại diện Hạt Kiểm lâm thành phố Việt Trì, ông Nguyễn Xuân Các cho biết, đây là con đường do nhà thầu thi công tu bổ, tôn tạo và mở rộng đền Thượng cũng như các hạng mục sân vườn nơi đây mở để làm đường tời vận chuyển nguyên vật liệu. “Trong quá trình thi công tu bổ, tôn tạo và mở rộng đền Thượng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của các Bộ, ngành và UBND tỉnh là không được làm ảnh hưởng khách hành hương tham quan đền Hùng; không được làm ảnh hưởng đến môi trường, vệ sinh khu di tích nên Ban quản lý, các cơ quan chức năng cùng nhà thầu đã tiến hành khảo sát các tuyến đường để làm đường tời chở vật liệu. Và đây chính là con đường tời vận chuyển vật liệu được mở từ giữa năm 2007 chứ không phải là đường do “lâm tặc” ngang nhiên mở để vận chuyển gỗ”, ông Các khẳng định.

Cũng với câu hỏi, đây có đúng là con đường mòn do “lâm tặc” mở, chặt phá hàng chục cây lớn nhỏ, gây biến dạng hàng nghìn m2 rừng đặc dụng quốc gia đền Hùng, bà Ngô Thị Toàn, Kiểm lâm viên, Trưởng bộ phận quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Hạt Kiểm lâm thành phố Việt Trì, người trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng quốc gia đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, rơm rớm nước mắt cho biết: “Tôi cũng vừa đi kiểm tra những điểm mà một số bài báo phản ánh về. Tôi buồn mà không thể nói nên lời vì họ viết như vậy là không đúng sự thật”. Bà Toàn giải thích, con đường mòn ấy vốn trước đây là khe nước, rồi người dân sở tại cũng hay men theo khe nước đó lên xuống đền Hùng nên tạo thành đường. “Tôi dám cam đoan là, trên dọc tuyến đường mòn đó không có cây to, nhỏ nào mà chỉ có thảm thực vật. Năm 2007, chúng tôi cùng với các ngành hữu quan tiến hành khảo sát tìm đường vận chuyển vật liệu để tu bổ đền Thượng. Qua nhiều tuyến khác nhau, các bên thống nhất là nên chọn tuyến này vì ít gây ảnh hưởng đến thảm thực vật cũng như cây gỗ quý. Vì thế nhà thầu đã làm đường tời từ chính tuyến này”, bà Toàn nói.

Cũng theo lời bà Toàn, khu vực núi Nghĩa Lĩnh nói riêng và rừng quốc gia đền Hùng nói chung được bảo vệ rất nghiêm ngặt với sự tham gia của các cấp chính quyền, các ngành chức năng và cả người dân. Ở đây, ai cũng nâng niu từng nhành cây ngọn cỏ chứ không bao giờ dám chặt hạ một cái cây nếu chưa được phép của lãnh đạo tỉnh. “Tôi về đây làm nhiệm vụ từ năm 2002, và chưa bao giờ phát hiện có “lâm tặc” vào chặt phá rừng quốc gia đền Hùng, đặc biệt trong khu vực núi Nghĩa Lĩnh. Đó là sự thật. Nếu đúng “lâm tặc” vào chặt phá như thế chắc giờ này tôi không còn được ngồi đây nữa”, bà Toàn bức xúc khẳng định.


Tôi về đây làm nhiệm vụ từ năm 2002, và chưa bao giờ phát hiện có “lâm tặc” vào chặt phá rừng quốc gia đền Hùng, đặc biệt trong khu vực núi Nghĩa Lĩnh. Đó là sự thật. Nếu đúng “lâm tặc” vào chặt phá như thế chắc giờ này tôi không còn được ngồi đây nữa. 

(Bà Ngô Thị Toàn, kiểm lâm viên, Trưởng bộ phận quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Hạt Kiểm lâm thành phố Việt Trì, người trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng quốc gia đền Hùng)


Nguyễn Hòa-Ngọc Năm

Theo Báo Văn hoá