Những toà tháp sừng sững in trên nền trời thăm thẳm sẽ là điểm dừng chân thú vị của du khách mỗi khi đến với Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em - Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Được khởi công xây dựng từ 19/3/2008, sau hơn 4 năm thi công, quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, công trình được tái hiện theo cụm tháp PoKlong Garai ở Ninh Thuận, đã được hoàn thiện và sẽ khánh thành vào ngày 23/11 tới đây.
Quần thể Tháp Chăm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên diện tích khoảng 4000 m2, bao gồm 3 toà tháp: Tháp Kalan (Tháp chính), Tháp Hoả Kosaghra và Tháp cổng Gopura.
Quần thể Tháp Chăm được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tháp Kalan: là Tháp trung tâm với chức năng là đền thờ, có diện tích 155m2, cao 20,58m. Bên trong tháp chính, tại chính giữa, có đặt Linga và Yoni - hai khối vật thể biểu hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc của người Chăm và cũng là biểu tượng cho thần Siva đầy uy lực mà người Chăm tôn thờ. Đến ngày khánh thành quần thể Tháp Chăm, cộng đồng dân tộc Chăm sẽ làm lễ và đặt vị trí Linga và Yoni theo đúng phong tục và nghi thức lễ của người Chăm.
Tháp được xây theo hình vuông. Chia làm 4 tầng, mỗi tầng có 4 tháp nhỏ dần theo tầng cao. Các hoa văn trang trí tương tự tháp tại khu Poklongarai được kết hợp giữa các chi tiết đá sa thạch được đục bằng tay gắn vào và các hoa văn được đục trực tiếp trên khối gạch xây. Tại cửa vào, hốc mái vòm có trang trí các cột đá, ngưỡng đá, tượng đá.
Tháp hỏa Kosaghra: có diện tích là 47,2m2, cao 9,66m, ở phía trước bên phải tháp chính theo hướng Đông. Kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, có tường ngăn chia thành 2 phòng có chức năng là một nhà kho, bếp. Tháp có 2 tầng, 3 cửa với mái cong hình thuyền vươn cao.
Tháp cổng Gopura: có mô hình kiến trúc tương tự Tháp Kalan nhưng quy mô nhỏ hơn với diện tích là 36m2, độ cao 9,72 m, có 2 cửa thông nhau, tháp có 3 tầng, có chức năng là nơi tiếp khách. Các hoa văn, họa tiết trang trí cũng tương tự như khu tháp Poklongarai ở Ninh Thuận.
Ngoài ra, còn có Sân lễ hội nằm giữa tháp cổng và tháp chính, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm. Xung quanh có xây tường bao và sau khi công trình hoàn thành, quanh tường bao sẽ đắp thành đồi nhân tạo, ở đó trồng các loại cây đặc trưng của vùng đất Ninh Thuận.
Cùng khám phá những hình ảnh không gian đặc biệt linh thiêng này của người Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam:
Tháp chính Kalan (trái) và tháp Hoả.
Linga và Yoni - tín ngưỡng phồn thực của người Chăm.
Quần thể tháp Chăm - điểm đến thú vị trong không gian Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Langvietonline.vn