Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá đối với các di tích lịch sử, văn hoá

Tiếp tục chương trình kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá đối với các di tích lịch sử, văn hoá theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL, sau khi kiểm tra tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, trong hai ngày 11 và 12.5.2009, đoàn kiểm tra do ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá tại một số điểm di tích thuộc thành phố Hà Nội, gồm: Đền Và, đình Mông Phụ, đình Thụy Phiêu, chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê, chùa Kim Liên.

Người dân địa phương đang trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Minh Thuyết

Tiếp tục chương trình kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá đối với các di tích lịch sử, văn hoá theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL, sau khi kiểm tra tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, trong hai ngày 11 và 12.5.2009, đoàn kiểm tra do ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hoá tại một số điểm di tích thuộc thành phố Hà Nội, gồm: Đền Và, đình Mông Phụ, đình Thụy Phiêu, chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê, chùa Kim Liên.

 

Nằm trong chương trình giám sát việc thực hiện Luật Di sản văn hoá, việc tu bổ, tôn tạo, trùng tu, phát huy giá trị của các di sản văn hoá và cũng là nội dung chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội khai mạc vào ngày 25.5.2009 tới đây sẽ xem xét việc bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá, chiều 12.5.2009, ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đã trực tiếp đi khảo sát tại hai di tích là đình Chu Quyến và Đền Và (HN).

Đảm bảo được các yếu tố gốc

“Nếu Nhà nước không đầu tư sửa chữa thì đền bị sập mất. Bây giờ làm xong hậu cung rồi chúng tôi yên tâm lắm. Mọi người đến đây cúng lễ sẽ được rất an toàn. Sửa chữa vững chắc rồi mà đền vẫn như ngày xưa, quý lắm” (phản ánh của ông Phùng Văn Khản, 74 tuổi, Thủ từ Đền Và từ năm 1995).

Trong lần đi kiểm tra này, đoàn công tác tập trung chủ yếu vào 4 nội dung: Quy trình trùng tu, tôn tạo; Tổ chức thi công; Kỹ thuật thi công và sau khi trùng tu, tôn tạo di tích có còn giữ được giá trị văn hoá, lịch sử hay không? Đối tượng các di tích kiểm tra đợt này cũng tập trung chủ yếu vào các di tích được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ VH, TT&DL, Phó trưởng đoàn kiểm tra thì qua kiểm tra tại ba tỉnh: Bắc Ninh (4 di tích); Bắc Giang (2 di tích); Nam Định (3 di tích) và thành phố Hà Nội (6 di tích), sơ bộ có thể thấy rằng quy trình tiến hành trùng tu, tôn tạo cơ bản được thực hiện một cách nghiêm túc theo quy định, nhất là đối với các di tích đã được công nhận là di tích quốc gia. Các biện pháp kỹ thuật thi công được lựa chọn, cân nhắc kỹ phù hợp với đặc điểm của từng di tích, từng địa phương. Về giá trị văn hoá, lịch sử của các di tích sau khi đã trùng tu thì đều đảm bảo được các yếu tố gốc. Ông Thành cho biết: thực tế kiểm tra tại một số điểm di tích được trùng tu cho thấy khi hạ giải người dân do chưa hiểu hết công việc trùng tu, tôn tạo thì kêu là “bị mất đình” nhưng đến khi trùng tu xong thì lại khen hết lời, đánh giá rất cao việc Nhà nước “sửa đình cho dân”. Tuy nhiên, theo ông Thành việc tổ chức thực hiện trùng tu, tôn tạo ở một số nơi cần được rút kinh nghiệm sao cho gọn gàng, khoa học hơn. “Chúng tôi sẽ có kết luận cụ thể sau khi hoàn tất công việc của mình”, ông Thành khẳng định.

Đoàn công tác kiểm tra tại đình Mông Phụ (HN) sáng 11.5

Mong Nhà nước tiếp tục quan tâm...

Chiều 12.5.2009, ông Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trực tiếp đến khảo sát tại hai điểm di tích là đình Chu Quyến và đền Và.

Đình Chu Quyến (thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, Ba Vì, HN) có thể coi là một trong những ngôi đình điển hình cho kiến trúc gỗ ở miền Bắc: 3 gian, 2 chái với 48 cột gỗ lim lớn chia làm 8 hàng, trên dưới 400 năm tuổi, hoàn toàn được xây dựng bằng gỗ, có nhiều nét chạm trổ công phu. Kiến trúc của ngôi đình có giá trị rất cao về lịch sử và nghệ thuật. Đình Chu Quyến cũng là di tích “tiêu biểu” cho sự xuống cấp trầm trọng của các di tích do tác động của thời gian, khí hậu và các yếu tố khác sau ngần ấy năm tồn tại.

"Người dân chúng tôi, đặc biệt là các cụ cao tuổi luôn xác định trách nhiệm của mình là phối hợp với các cán bộ trùng tu của Nhà nước, chúng tôi rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư để sửa đình cho chúng tôi. Mong rằng Nhà nước quan tâm hơn nữa đến công việc này. Có cụ ở đây năm nay đã 99 tuổi bảo rằng phải cố sống đến ngày việc sửa đình xong để dự lễ khánh thành” (phản ánh của ông Nguyễn Xuân Hải, 70 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thôn Chu Quyến và xã Chu Minh với ông Nguyễn Minh Thuyết)

Với những đặc điểm đó, di tích này đã được chọn để thử nghiệm một phương án trùng tu khác với các di tích khác: Cục Di sản văn hoá là chủ đầu tư, Viện Bảo tồn di tích trực tiếp thực hiện công tác trùng tu: tiến hành khảo sát, lập dự án, thiết kế, xây dựng Hồ sơ tu bổ, tổ chức thi công, v.v... Phương án này nhằm tìm ra một “cách làm chuẩn” nhằm áp dụng vào công tác trùng tu, tôn tạo di tích vốn là một công việc có những đặc thù riêng biệt so với công việc sửa chữa, xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực khác. Ông Nguyễn Minh Thuyết đã lắng nghe ý kiến của các cán bộ trực tiếp thực hiện dự án này, nghe ý kiến của người dân và của chính quyền địa phương trong việc phối hợp với cơ quan chuyên môn đang thực hiện trùng tu ngôi đình. Ông đánh giá cao những nghiên cứu, tìm tòi của các cơ quan chức năng, các chuyên gia thuộc lĩnh vực trùng tu, tôn tạo và sự phối hợp của chính quyền và nhân dân địa phương để tìm ra và đề xuất những phương án tối ưu nhất cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích văn hoá, lịch sử.

Tại đền Và, ông Nguyễn Minh Thuyết đã trực tiếp xem xét kết quả công tác trùng tu ở khu vực hậu cung (đã xong), kiểm tra những hạng mục còn đang tiếp tục tiến hành. Ông cho biết ông tin tưởng vào chất lượng của công việc trùng tu vì nó đã được thực hiện đúng các quy trình theo luật định, trước khi trùng tu lại có tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học thuộc lĩnh vực này. Trong quá trình thực hiện theo báo cáo luôn có sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên ngành. Ông cũng cho rằng trong thực hiện có thể còn có những sai sót nhưng nó không lớn và cần phải giải thích cho những ai chưa rõ hiểu được.

Ông Nguyễn Minh Thuyết kiểm tra thực tế công tác trùng tu tại đình Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì) chiều 12.5.2009

Kết thúc buổi kiểm tra và khảo sát thực tế, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã dành thời gian gặp gỡ lãnh đạo Thị uỷ và UBND thị xã Sơn Tây.

Nhóm P.V

Theo Báo Văn hoá online ngày 13/5/2009