Công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa

Chiều qua, 19.5 Bộ VH,TT&DL đã tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định và TP. Hà Nội.

Chùa Dâu(Bắc Ninh), một trong những di tích được trùng tu đúng quy trình. Ảnh: Trần Huấn

I. Tỉnh Bắc Ninh

Kiểm tra thực tế tại đình Đình Bảng, Đền Đô, Chùa Dâu và Đền Rồng (Đền Rồng có kết luận riêng).

Đình Đình Bảng, Đền Đô, Chùa Dâu là di tích quốc gia được Bộ VH,TT&DL cấp kinh phí tu bổ theo chương trình mục tiêu quốc gia, do UBND xã Đình Bảng và Sở VH,TT&DL làm chủ đầu tư. Trong quá trình thực hiện dự án, các chủ đầu tư đã thực hiện tốt quy trình quản lý đầu tư, tổ chức thi công, kỹ thuật thi công, đảm bảo tối đa các yếu tố nguyên gốc, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích, sau khi tu bổ giá trị lịch sử văn hóa của di tích được đảm bảo, nhân dân đánh giá cao.

Việc đưa hai con sư tử bằng đá để trước cửa Đền Đô, bắc đèn chùm trong nội tự Đền chưa xin phép, không phù hợp với cảnh quan di tích. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chuyển các hiện vật nói trên ra ngoài khu vực Đền. Tại Chùa Dâu: mái ngói nhà tiền thất đã bị xô, dẫn đến bị dột cục bộ; chưa giải tỏa được 8 hộ dân nằm trong quy hoạch của dự án (phần này thực hiện bằng nguồn vốn của địa phương).

Toàn cảnh buổi họp báo

II. Tỉnh Bắc Giang

Đoàn đã kiểm tra 2 di tích là chùa Bổ Đà và đình Thổ Hà, dự án thực hiện theo quy trình tu bổ và phục hồi di tích, được  các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong quá trình thi công chủ đầu tư đảm bảo tối đa các yếu tố nguyên gốc, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích.

Tại chùa Bổ Đà việc bảo quản kệ đựng kinh chưa tốt, xây máng nước xối vào tường di tích, xây nhà vệ sinh không đúng địa điểm và thiết kế của dự án, đưa mộ vào xây lăng trong vườn tháp của chùa. Đình Thổ Hà tổ chức thi công chưa khoa học, có hai chân tảng đá chưa được tái sử dụng.

III. Tỉnh Nam Định

Ngày 9.5.2009, Đoàn kiểm tra tại đình Sùng Văn, Chùa Keo, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền.

Trong quá trình thi công chủ đầu tư kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình thi công được quy định tại Quyết định số 05/QĐ-BVHTT. Từ việc chụp ảnh hạ giải, lập hội đồng khoa học đánh giá cấu kiện kiến trúc gỗ, phân loại cấu kiện hỏng, phục hồi cấu kiện gỗ bị hỏng cục bộ, dựng mái tôn bao che di tích, tận dụng tối đa các hoa văn, họa tiết còn sử dụng được để đưa vào tái sử dụng di tích, trong quá  trình thi công có vướng mắc đều xin ý kiến của Cục Di sản văn hóa. Đây là tỉnh thực hiện tốt các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Di tích đình Thụy Phiêu (Ba Vì, HN) trước khi trùng tu đã xuống cấp một cách trầm trọng đến mức người dân phải dùng rất nhiều cây bạch đàn làm cột chống để phòng đình bị... sập đổ. Ảnh: T.L

Và sau khi đình được Nhà nước đầu tư trùng tu    

IV. Thành phố Hà Nội

Đoàn kiểm tra tại di tích chùa Trăm Gian, Đền Và, chùa Bối Khê, đình Mông Phụ, đình Thụy Phiêu, chùa Kim Liên.

Mặt được: Về cơ bản chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình theo Quyết định số 05/QĐ-BVHTT như: Chùa Kim Liên, chùa Bối Khê, đình Mông Phụ, đình Thụy Phiêu.

Chưa được: Tại chùa Trăm Gian quy trình quản lý đầu tư tu bổ, có một số chỗ thực hiện không đầy đủ. Cụ thể: chưa lập hồ sơ thiết kế chi tiết để thỏa thuận gửi về Bộ, kỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật của một số hạng mục không đảm bảo yếu tố nguyên gốc, làm mới tả vu, hữu vu, nhà ngự, kè hồ chưa báo cáo Bộ. Tại Đền Và: tổ chức thi công chưa khoa học, tự động tháo dỡ tường, đưa 2 sư tử đá vào đền không phù hợp với kiến trúc, cảnh quan, gây phản cảm; Chùa  Bối Khê: mái chùa dột, có hiện tượng mối xông.  Đình Mông Phụ: việc sử dụng mạch vữa trên tường đá ong không đúng kỹ thuật. Đình Thụy Phiêu: có vết nứt nhỏ Đoàn kiểm tra đề nghị đơn vị thi công giữ nguyên để theo dõi.

V. Nhận xét

1. Các dự án thực hiện bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa được tuân thủ đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa đã thực hiện tốt quy trình đầu tư, xây dựng và các quy định về tu bổ di tích, kỹ thuật được đảm bảo. Sau khi tu bổ giá trị của di tích được bền vững, đảm bảo tính nguyên gốc và hiệu quả về nghệ thuật, kiến trúc và lịch sử được nâng lên như: Đình Đình Bảng, Chùa Dâu, chùa Bổ Đà, chùa Kim Liên, đình Sùng Văn, Chùa Keo, Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền...

2. Các dự án trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn công đức, thậm chí bằng nguồn vốn của địa phương, thường không thực hiện đúng quy trình tu bổ di tích, kỹ thuật không đảm bảo, yếu tố nguyên gốc của di tích ít được coi trọng, như: Chùa Trăm Gian, Chùa Tiêu, đình Xuân Tảo làm ảnh hưởng kiến trúc nghệ thuật của di tích lịch sử.

3. Đối với các đơn vị thi công chuyên ngành của Trung ương các công trình tu bổ thực hiện đúng quy trình, tổ chức thi công khoa học, kỹ thuật thi công luôn đảm bảo yếu tố gốc của di tích và ngược lại.

4. Trong công tác quản lý di tích ở một số địa phương công tác thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên; khi xảy ra vi phạm chưa có biện pháp khắc phục kịp thời.

VH

Theo Báo văn hoá online ngày 20/5/2009.