Công bố Quy hoạch chi tiết 1:2000 bảo tồn, tôn tạo Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh

Cong bo Quy hoach chi tiet 1:2000 bao ton, ton tao Den tho Tan Vien Son Thanh

(VEN) - Sau một thời gian dài nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch, ngày 30/8/2010, được sự chấp thuận của UBND TP. Hà Nội, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam - Vinaconex sẽ phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức lễ công bố “Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:2.000 bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử đền thờ Tản Viên Sơn Thánh” thuộc hai xã Minh Quang và Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

Đây là công trình nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch mang ý nghĩa vô cùng to lớn về lịch sử, văn hóa, bởi Khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (bao gồm đền Hạ - đền Trung - đền Thượng) nằm ở sườn Tây của dãy núi Ba Vì, ngọn núi cao và linh thiêng bậc nhất, có vị trí quan trọng về địa lý phong thủy, nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Đây cũng là nơi ngự trị muôn đời của Đệ nhất phúc thần Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), một trong “tứ bất tử” trong tín ngưỡng Việt Nam. Thánh Tản Viên vừa là anh hùng trị thủy, vừa là anh hùng khai sáng văn hóa cho nhân dân, gắn liền với những huyền thoại về cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh hay công cuộc chống thiên tai của người Việt cổ. Khu di tích này là nơi thờ chính và là nơi gắn liền với những di tích huyền thoại về Đức Thánh Tản.

Với ước muốn tìm về nguồn cội và hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, các thế hệ lãnh đạo của Vinaconex đã mong được góp công, góp sức tìm hiểu, phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích này. Để tạo được sự kết nối giữa ba ngôi đền (đền Hạ ở ven sông Đà, đền Trung ở lưng chừng núi và đền Thượng ở trên đỉnh núi Tản Viên), bằng những nỗ lực âm thầm, bền bỉ từ đó đến nay, nhiều phần việc đã được hoàn tất.

Năm 2007, Vinaconex đã có cuộc họp báo cáo lần đầu về cụm di tích tại UBND tỉnh Hà Tây. Những ý tưởng đề xuất đã nhận được sự ủng hộ cao. Qua đó đã gây được sự chú ý đặc biệt của các cấp lãnh đạo tỉnh Hà Tây về quần thể di tích này.

Song song với việc Vinaconex tiến hành nghiên cứu lập quy hoạch, UBND huyện Ba Vì, Sở Văn hóa Hà Tây đã lập hồ sơ xin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đền Hạ - đền Trung - đền Thượng. Tháng 2/2008, khu di tích đền Hạ - đền Trung - đền Thượng đã được chính thức công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Dưới sự chỉ đạo của Vinaconex, công tác khảo sát, đo đạc và lập phương án quy hoạch với tên gọi: "Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cụm di tích lịch sử văn hóa đền Hạ - đền Trung - đền Thượng” đã được tiến hành khẩn trương.

Ngày 14/3/2009, tại Vườn quốc gia Ba Vì, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phối hợp cùng UBND huyện Ba Vì, Vinaconex tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các giáo sư, các nhà nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý về đồ án quy hoạch khu di tích núi Tản. Những ý kiến tâm huyết và thận trọng về khu di tích có một không hai này một lần nữa củng cố niềm tin của những người lập quy hoạch, thúc đẩy công việc nhanh hơn, hướng tới thành công hơn.

Trong quá trình thực hiện lập quy hoạch cụm di tích, để có đầy đủ cơ sở pháp lý, Vinaconex đã thận trọng, cầu thị, kiên trì các ý tưởng đề xuất của mình trên cơ sở tôn trọng lịch sử, vận dụng sáng tạo những kiến thức khoa học tâm linh và đã nhận được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý như: Vườn quốc gia Ba Vì, Cục Kiểm lâm, Cục Di sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ban, ngành có liên quan...

Ngày 22/10/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có phiên họp mang ý nghĩa quan trọng để đi đến quyết định những nội dung của đồ án quy hoạch. Đó là buổi phản biện trước Hội đồng khoa học của Bộ. Sau khi Vinaconex cùng đơn vị tư vấn báo cáo toàn bộ nội dung đồ án và trả lời các ý kiến phản biện của hội đồng, 100% các nhà khoa học dự họp đã có chung ý kiến đồng thuận, thông qua đồ án và đánh giá cao tâm huyết, nỗ lực của doanh nghiệp.

Ngày 12/5/2010, UBND thành phố đã có Quyết định số 2109/QĐ-UB phê duyệt đồ án quy hoạch. Đây cũng là món quà đầy ý nghĩa kính dâng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội./.

 

Hồng Hà

Theo Báo kinh tế Việt nam ngày 27/8/2010


Ghi chú:

Dự án quy hoạch này do Công ty cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hoá Trung ương thực hiện, Tổng công ty Vinaconex phối hợp và tài trợ thực hiện.