Có hay không việc hủy hoại di tích đền thờ Vua bà Lý Chiêu Hoàng?

Hai ngày qua, dư luận xôn xao về việc đền thờ Vua bà Lý Chiêu Hoàng (hay còn gọi là đền Rồng) ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh bị đập đi để xây mới bởi đây là công trình nằm trong kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa thời Lý hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Vậy thực hư sự việc này thế nào?

Đến thời điểm này, đền thờ đã được phá dỡ hoàn toàn. Toàn bộ các ngai thờ, tượng và những hiện vật cổ được cất giữ trong gian nhà ngang, khoảng 1.000 viên gạch cổ được dỡ từ gian miếu cổ cũng được xếp thành kiêu để bảo quản. Tại hiện trường chỉ còn tấm bảng “Công trình: tu bổ đền Rồng, P.Đình Bảng, thị xã Từ Sơn”. Công trình này do UBND phường Đình Bảng làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Kiến trúc và công nghệ Mới làm tư vấn thiết kế, Công ty cổ phần Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương thi công. So sánh tấm bảng trên và công văn số 1594/UBND-NC của UBND tỉnh gửi Ban Tôn giáo tỉnh ngày 30/11/2007 có nội dung: “cho phép UBND xã Đình Bảng được trùng tu lại đền Rồng trên nền đất cũ với quy mô và kiến trúc công trình cấp IV” với hiện trạng bây giờ, người dân nghi ngại rằng ngôi đền đã bị đập bỏ để xây mới chứ không “đơn thuần” là trùng tu.

Ông Nguyễn Thạc Vinh, Chủ tịch phường Đình Bảng, (người chịu trách nhiệm lập dự án – PV) lý giải rằng do việc sử dụng “chưa chính xác” hai từ “trùng tu” nên đã xảy ra việc hiểu lầm và khẳng định: phường đã thực hiện các bước công việc đúng theo phê duyệt của tỉnh, xây dựng lại công trình cho khang trang là điều cần thiết. Bằng chứng mà ông Vinh đưa ra là đây không phải ngôi đền cổ hàng trăm năm tuổi mà gốc tích của nó chỉ là một ngôi miếu nhỏ thờ Vua Lý Chiêu Hoàng. Bản thân ngôi miếu này cũng chỉ có phần chân được coi là “cổ” do được xây bằng những viên gạch cổ. Toàn bộ 5 gian Tiền Đường và nhiều công trình kiến trúc khác mới được xây dựng cách đây khoảng 30 năm. Ngay việc xây dựng cũng chắp vá do trải qua nhiều lần trùng tu không đồng bộ (vì chỉ trông vào nguồn tiền công đức của nhân dân – PV), đã làm phá vỡ cảnh quan đền miếu mà điển hình nhất là kiểu kiến trúc mái hiên Tây với hệ thống năm cửa vòm – mô típ kiến trúc của những năm 80. Bên cạnh đó, ngôi đền cũng đã xuống cấp, cũ nát, không đảm bảo an toàn, sân đền vá víu bằng nhiều loại gạch.

Để công trình được đồng bộ, xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, UBND thành phố Hà Nội đã hỗ trợ địa phương trên 2 tỷ đồng để xây dựng khu nhà chính (gói thầu số 1), phần còn lại gồm nhà tiền tế và miếu môn (gói thầu số 2) sẽ được triển khai sau đó. Ông Vinh cũng cho biết thêm: phường đã xin trùng tu đền từ năm 2007 - là thời điểm đền chưa được cấp bằng di tích lịch sử - và ngày 22/11/2007, Ban Tôn giáo tỉnh có tờ trình số: 20/TTr-TG về việc cho phép UBND xã Đình Bảng khi đó được trùng tu lại Đền Rồng, được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận tại công văn số 1594/UBND-NC nêu trên. Như vậy không thể nói phường đã hủy hoại, làm mới một di tích lịch sử. Việc khởi công công trình được thực hiện trước Tết nguyên đán nhưng phải tới mùng 9 Tết, đền mới được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trao đổi với phóng viên ngày 11/4 về việc “trùng tu” và xây mới di tích, ông Nguyễn Đăng Túc, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch Bắc Ninh cho rằng: trùng tu là trên cơ sở gốc tích cũ để tôn tạo, tu bổ lại nhưng không có nghĩa là không được hạ giải, phải dỡ xuống để phân loại giúp cho việc trùng tu không bị chắp vá. Đồng quan điểm với ông Nguyễn Thạc Vinh, ông Nguyễn Đăng Túc nhấn mạnh đến yếu tố “gốc” với quan điểm trùng tu nhưng phải đảm bảo giữ lại cái “gốc”. Theo ông Túc thì cái quý nhất của ngôi đền là ở những hiện vật như ngai thờ, tượng… chứ không phải là ở kiến trúc vì tất cả đều đã được xây mới, không phải kiến trúc từ thời Lý. Do vậy, cách làm của phường Đình Bảng hiện nay là đúng, hoàn toàn phù hợp với thực tế. Vả lại, trước đây đền chưa được cấp bằng di tích nên Sở chưa quản lý. Khi đã được cấp bằng thì “sự đã rồi”, dự án vẫn phải tiếp tục triển khai.
Bà Lý Chiêu Hoàng sinh năm 1216, là con gái thứ 2 của vua Lý Huệ Tông và Hoàng hậu Trần Thị Dung nên được phong là Chiêu Thánh Công Chúa. Tháng 10 năm Giáp Thân (1224), Lý Huệ Tông lâm bệnh nên đã ra Chiếu nhường ngôi cho Chiêu Thánh khi đó mới tròn 8 tuổi. Chiêu Thánh lên ngôi vua, xưng là Lý Chiêu Hoàng. Ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu – 1225 Lý Chiêu Hoàng đã trút bỏ long bào nhường ngôi báu cho chồng là Trần Cảnh, trở thành Hoàng hậu Chiêu Thánh. Năm 19 tuổi, bà phải dời bỏ ngôi vị Hoàng hậu nhà Trần và triều đình lấy Lê Tần. Năm 1278, Lý Chiêu Hoàng về thăm quê hương và đã mất ngày 23-9 năm đó ở tuổi 62. Thi hài bà được an táng tại bìa rừng Báng, phía đông Thọ Lăng Thiên Đức, thuộc làng Đình Bảng quê nhà. Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng được khởi công xây dựng ở Đình Bảng từ cuối thế kỷ XIII, nằm trên khu đất rộng 9.300m2. Đền được kiến trúc gồm nhiều công trình. Cột, xà đều bằng gỗ lim, lợp ngói mũi hài. Đền có sân rộng, hai bên có hai tòa giải vũ, phía ngoài có hai dãy nhà khách. Trải qua tháng năm, đền Rồng đã được trùng tu tái dựng nhiều lần và đến nay khu đất dựng đền chỉ còn hơn 3.000m2./.


Chu Thanh Vân

Theo Báo Xây dựng