Hiến chương VENICE

Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn và Trùng tu Di tích và Di chỉ (1964)

Đại hội Quốc tế lần thứ hai các Kiến trúc sư và Kỹ thuật gia về Di tích lịch sử, Venice, 1964,được ICOMOS chấp nhận năm 1965.

Các di tích lịch sử của các thế hệ con người, thấm đượm một thông điệp từ thời quá khứ, đến ngày nay hãy còn như là những chứng nhân sống của những truyền thống lâu đời cổ xưa. Nhân loại ngày càng ý thức rõ ràng tính thống nhất của các giá trị con người và coi các di tích cổ như là một di sản chung. Con người tự nhận thức có trách nhiệm chung phải giữ gìn bảo vệ các di tích đó. Bổn phận của chúng ta ngày nay là phải chuyển giao cho các thế hệ mai sau muôn ngàn di tích đó với đầy đủ vẻ rực rỡ huy hoàng đích thực của chúng.

Bởi vậy điều cốt yếu là các nguyên tắc chỉ đạo việc bảo tồn và trùng tu các công trình xây dựng cổ phải được đồng thuận và quy thức hoá trên một bình diện quốc tế, song vẫn giành lại cho mỗi quốc gia là trách nhiệm tự tìm lấy biện pháp đảm bảo việc áp dụng vào bối cảnh văn hoá và truyền thống riêng của mình.

Hiến chương Athens năm 1931, khi lần đầu tiên xác định ra những nguyên tắc cơ bản đó là đã góp phần vào sự phát triển một phong trào quốc tế rộng lớn vốn đã được diễn giải ra cụ thể trong các văn kiện quốc gia, trong hoạt động của ICOM và UNESCO và trong việc UNESCO thiết lập ra Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu việc Bảo tồn và Trùng tu tài sản văn hoá (International Center for Study of the Preservation and the Restoration of Cultural Property). Nhận thức và tinh thần phê phán ngày càng phát triển đã nhằm vào các vấn đề không ngừng trở nên phức tạp và đa dạng; nay đã đến lúc cần soát xét lại các nguyên tắc của Hiến chương để đi vào sâu hơn và mở rộng hơn tầm vóc của nó trong một văn kiện mới.

Vì vậy, Đại hội Quốc tế lần thứ hai các Kiến trúc sư và các Kỹ thuật gia chuyên về các Di tích lịch sử, họp ở Venice từ 25 đến 31 tháng 5, 1964, đã thông qua văn bản sau đây:

Định nghĩa

Điều 1.

Khái niệm di tích lịch sử không chỉ là một công trình kiến trúc đơn chiếc mà cả khung cảnh đô thị hoặc nông thôn có chứng tích của một nền văn minh riêng, một phát triển có ý nghĩa hoặc một sự kiện lịch sử. Khái niệm này không chỉ áp dụng với những công trình nghệ thuật to lớn mà cả với những công trình khiêm tốn hơn vốn đã, cùng với thời gian, thâu nạp được một ý nghĩa văn hoá.

Điều 2.

Việc bảo tồn và trùng tu di tích cần phải có sự viện cầu đến mọi khoa học và kỹ thuật nào có thể góp phần vào việc nghiên cứu và giữ gìn bảo vệ di sản văn hoá.

Điều 3.

Việc bảo tồn và trùng tu di tích là nhằm mục đích giữ gìn bảo vệ các di tích là công trình nghệ thuật cũng như là chứng tích lịch sử.

Bảo toàn

Điều 4

Điều chủ yếu đối với việc bảo tồn di tích là làm cho di tích đó được duy trì lâu bền.

Điều 5

Việc bảo tồn di tích luôn được tạo điều kiện thuận lợi bằng cách sử dụng những di tích đó vào một mục đích hữu ích cho xã hội, cách sử dụng như vậy là đáng làm, song phải không được biến đổi bố cục hoặc trang trí của công trình. Phải có quan niệm là chỉ đúng trong những giới hạn đó thì những sửa sang do thay đổi chức năng mới được phép tiến hành.

Điều 6

Việc bảo tồn một di tích bao hàm bảo tồn một khung cảnh nằm trong phạm vi liên quan tới di tích. Khi hãy còn một khung cảnh truyền thống thì khung cảnh đó phải được bảo vệ. Không một công trình xây dựng gì mới, một sự phá huỷ hoặc sửa sang nào mà làm biến đổi mối tương quan giữa khối hình và màu sắc được phép tiến hành.

Điều 7

Một di tích là không thể tách rời khỏi lịch sử mà nó là chứng nhân, không thể tách rời khỏi khung cảnh mà nó toạ lạc. Vì vậy, việc di chuyển toàn bộ hoặc bộ phận di tích là không được phép làm, trừ phi do đòi hỏi của việc bảo vệ di tích đó hoặc vì những lý do xác thực vì lợi ích quốc gia hoặc quốc tế hết sức quan trọng.

Điều 8

Những bức điêu khắc, tranh hoạ hoặc trang trí vốn hợp thành bộ phận hữu cơ của di tích chỉ được phép bóc gỡ khỏi di tích nếu cách đó là biện pháp duy nhất để đảm bảo được việc bảo tồn những thứ đó.

Trùng tu

Điều 9

Tiến trình trùng tu là một thao tác có tính chuyên môn cao. Mục đích của trùng tu là bảo tồn và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích, và phải dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực. Trùng tu phải ngừng lại ngay khi bắt đầu có sự phỏng đoán, hơn nữa trong trường hợp đó, nếu xét thấy nhất thiết phải làm thêm một cái gì đó vì lý do thẩm mỹ hoặc kỹ thuật thì bộ phận làm thêm đó phải phân biệt được với bố cục kiến trúc và phải ghi rõ dấu ấn niên đại lúc thực hiện. Bất kỳ trong trường hợp nào, trước và sau khi trùng tu phải có nghiên cứu di tích về mặt khảo cổ và lịch sử.

Điều 10

Ở đâu mà kỹ thuật truyền thống tỏ ra bất cập thì để đảm bảo việc gia cố di tích ở chỗ đó, có thể dùng mọi kỹ thuật hiện đại về bảo tồn và xây dựng. Tính hiệu quả của thao tác này phải được chứng minh bằng cứ liệu khoa học và được kinh nghiệm bảo đảm.

Điều 11

Những phần đóng góp có giá trị ở mọi thời kỳ vào việc xây dựng di tích cần phải được tôn trọng, vì tính thống nhất của phong cách không phải là mục tiêu cần đạt được của trùng tu. Khi một công trình xây dựng bao gồm nhiều khoảnh chồng lên nhau của những thời kỳ khác nhau, thì việc bóc gỡ để làm lộ ra một khoảnh bên dưới phải được biện minh xác đáng, mà chỉ trong tình huống hãn hữu, và trong điều kiện là phần bóc gỡ không mấy quan trọng và phần lộ ra là có giá trị lớn về lịch sử, khảo cổ và thẩm mỹ, và nữa là tình trạng bảo tồn phần đã lộ phải được tính toán đầy đủ để minh xác cho việc bóc gỡ. Việc đánh giá giá trị các phần cần bóc gỡ và quyết định bóc gỡ những phần nào không thể đơn thuần là ý muốn của cá nhân người phụ trách trùng tu.

Điều 12

Những bộ phận dùng để thay thế vào những chỗ trống phải hài hoà với tổng thể, đồng thời phải phân biệt được với phần nguyên gốc; có như vậy việc trùng tu mới không làm sai lệch cứ liệu nghệ thuật hoặc lịch sử.

Điều 13

Các phần xây đắp thêm chỉ được chấp nhận ở mức độ chúng vẫn tôn trọng các bộ phận độc đáo của toà kiến trúc, khung cảnh truyền thống của kiến trúc, tính cân đối của bố cục kiến trúc và mối quan hệ của kiến trúc với môi trường xung quanh.

Di chỉ Lịch sử

Điều 14

Các di chỉ kiến trúc phải là đối tượng quan tâm đặc biệt nhằm để giữ gìn, bảo vệ tính toàn vẹn của chúng và để đảm bảo cho những kiến trúc đó được sửa sang dọn dẹp, nổi bật lên chân giá trị. Việc bảo tồn và trùng tu tiến hành ở những di chỉ này cũng phải được áp dụng theo các nguyên tắc đã đề ra trong các điều khoản trên.

Khai quật

Điều 15

Các cuộc khai quật phải được tiến hành phù hợp với các chuẩn mực khoa học và với ''khuyến nghị xác định các nguyên tắc quốc tế cần phải áp dụng trong trường hợp khai quật khảo cổ học" đã được UNESCO chấp nhận năm 1956.

Các phế tích phải được duy trì và phải có những biện pháp cần thiết để bảo tồn và bảo vệ được thường xuyên các yếu tố kiến trúc và các di vật được phát hiện. Ngoài ra, phải thực thi mọi biện pháp nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho sự hiểu biết di tích và làm bộc lộ di tích mà không làm sai lệch ý nghĩa của nó.

Song, trước tiên là phải loại trừ mọi việc xây dựng lại. Chỉ được phép tiến hành anastylose, nghĩa là lắp ráp lại những bộ phận hiện còn song đã bị vỡ rời. Vật liệu dùng để gắn kết phải luôn luôn nhận ra được, mà chỉ nên dùng ở mức tối thiểu để đảm bảo việc bảo tồn di tích và phục hồi các hình dạng di tích.

Xuất bản

Điều 16

Mọi việc bảo tồn, trùng tu hoặc khai quật phải luôn được làm theo một bộ hồ sơ chính xác dưới dạng các báo cáo phân tích phê phán có bản vẽ bản ảnh minh hoạ. Mỗi giai đoạn thu dọn, gia cố, xếp đặt lại và gắn kết, cũng như các biện pháp kỹ thuật chính thức được xác định sẽ thực thi trong tiến trình làm việc phải được ghi vào hồ sơ. Hồ sơ này sẽ được đưa vào bộ phận lưu trữ của một tổ chức công khai để cho các nhà nghiên cứu được quyền tham khảo. Hồ sơ cần được xuất bản công khai.

 

Tham gia vào Uỷ ban soạn thảo Hiến chương quốc tế về Bảo tồn, Trùng tu Di tích gồm những người có tên sau:

Piero Gazzola (ý), Chủ tịch

Raymond Lemaire (Bỉ), Thuyết trình viên

Jose' Bassegoda - Nonell (Tây Ban Nha)

Lui Benavente (Bồ Đào Nha)

Djurdje Boskovic (Nam Tư)

Hiroshi Daifuku (UNESCO)

P. L de Vrieze (Hà Lan)

Harald Langberg (Đan Mạch)

Mario Matteucci (Ý)

Jean Merlet (Pháp)

Carlos Flores Marini (Mêhicô)

Roberto Pane (Ý)

S. C. J. Pavel (Tiệp Khắc)

Paul Philippot (ICCROM. Uỷ ban Quốc tế Bảo tồn Trùng tu Di tích)

Victor Pimentel (Pê ru)

Harold Plenderleith (ICCROM)

Deoclecio Redig de Campos (Vaticăng)

Jean Sonnier (Pháp)

Francois Sorlin (Pháp)

Eustathios Stikas (Hy Lạp)

Gertrup Tripp (Áo)

Jan Zachwatovicz (Ba Lan)

Mustafa S. Zbiss (Tuynidi)